Diện chẩn hay có thể hiểu là phương pháp bấm huyệt trên mặt được giáo sư Bùi Quốc Châu phát triển từ những năm 1980. Diện Chẩn là phương pháp chẩn đoán các dấu hiệu về tình trạng sức khỏe của con người trên khuôn mặt, từ đó có thể phát hiện và tác động trong việc gia tăng sức khỏe, phòng và điều trị các chứng bệnh.
Thực hiện 12 động tác tốt nhất vào buổi sáng ngay sau khi thức dậy.
Tác dụng chính: Khí huyết lưu thông toàn cơ thể. Da dẻ mịn màng, nước da đẹp đẽ. Tiêu hết nám, mụn trên mặt. Mắt tinh, tai thính, tăng cường sức khỏe cơ thể.
Dụng cụ để mát xa chính là bàn tay, vì thế có thể làm bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu. Những bạn nữ để móng tay dài, mình làm cẩn thận một chút, nếu được bạn nên cắt móng tay ngắn một chút để thuận tiện trong việc thực hiện. Các động tác được thực hiện trên mặt, đầu, cổ và răng, gồm có 12 động tác.
Đầu tiên, mình xoa hai lòng bàn tay vào nhau, lúc này sẽ giúp kích thích các dây thần kinh tập trung ở đây, tăng cường lưu thông máu. Ngoài ra còn giúp cung cấp hơi nóng từ tay lên những phần được mát xa.
1. Xoa bàn tay cho nóng áp vào mắt (xoa tay áp mắt) 3-5 lần.Tác dụng: Làm mắt sáng, tỉnh ngủ.
2. Xoa vòng quanh mí mắt từ đầu mày ra phía đuôi mày bằng đầu ngón tay giữa, sau đó dùng đầu ngón tay giữa gõ huyệt trước khoé mắt và sau đuôi mắt rồi gõ huyệt giữa chân mày và giữa xương hốc mắt (ngay dưới con ngươi) mỗi nơi 10 lần.Tác dụng: Quanh mắt có nhiều huyệt điều tiết con mắt, làm mắt tinh sáng, giảm cận thị, viễn thị, khai thông bộ phận sinh dục nam, khai thông được tinh hoàn. Nữ khai thông buồng trứng, trị đau mỏi cánh tay, bả vai.
3. Để hai bàn tay xoa khắp 2 bên mặt, chừa mũi ra. Xoa khắp mặt làm da mặt nóng ấm, da mặt dãn ra, xoa nhiều quanh má.Tác dụng: Làm da mặt mịn màng, láng bóng, làm thức tỉnh các sinh huyệt, điều hoà lưu thông khí huyết toàn thân.
4. Chà bờ môi trên và cằm. Dùng bàn tay chà qua chà lại, bờ môi trên, bờ môi dưới và ụ cằm, sao cho vùng môi cằm nóng ấm thì dừng (chà nhiều nóng).Tác dụng: Làm hệ thống tiêu hoá được tốt hơn, giúp hệ bàng quang điều tiết bình thường.
5. Chà dọc mũi (lên xuống). Chập 3 ngón tay trỏ, giữa, áp út vào nhau (ngón giữa để trên sống mũi). Miết từ đầu mũi lên chân tóc, trán, miết lên xuống nhiều lần cho nóng ấm thì dừng.Tác dụng: Điều hoà nhịp tim, giảm đau cột sống, giảm các vấn đề về mũi, làm hạ huyết áp, giảm đau tức ngực, giảm đau cuống họng, làm khoẻ chân, giảm đau mông, háng, chữa đau khớp gối.
6. Khum bàn tay lại úp vào trán, xoa toàn bộ trán, (xoa ngang trán) cho nóng ấm thì dừng.Tác dụng: Làm cho lục phủ ngũ tạng phản chiếu trên trán được lưu thông. Làm trán không nếp nhăn, tăng cường trí nhớ, tỉnh táo, sáng suốt.
7. Để ngón tay trỏ và giữa vào trước và sau mang tai hình chữ V, chà xát lên xuống cho ấm (chà nhiều nóng gây phỏng da).Tác dụng: Làm tai thính, hỗ trợ các vấn đề về tim, thận, cột sống lưng, đau mắt. Chống cảm, mỏi lưng, chống viêm họng, sổ mũi, điều hoà huyết áp, làm nóng ấm người rất nhanh, đặc biệt nhất là vùng trước tai.
8. Vuốt cổ (ngửa cổ lên, mở rộng bàn tay) Dùng hai bàn tay đặt từ xương hàm vuốt xuôi xuống cổ (vùng huyệt Thiên đột) chỉ vuốt xuôi không vuốt ngược cho nóng ấm thì dừng.Tác dụng: làm thông vùng khí quản, chống ho, viêm họng, làm ấm vùng hầu họng, không vướng đờm.
9. Chà gáy: lấy bàn tay chà xát gáy mỗi bên 10 lần, hoặc cho đến khi thấy ấm nóng.Tác dụng: Tăng cường sức lực cho toàn bộ cơ thể, đưa khí huyết tưới cho toàn bộ vùng não bộ dễ dàng.
10. Cào đầu (dùng 10 đầu ngón tay cào từ mí tóc trán ngược ra sau gáy 50 cái). Dùng 10 đầu ngón tay, cào từ chân tóc lên đỉnh đầu. Cào từ đỉnh đầu dồn về sau ót và hai đầu tai nhiều lần, khi cào phát hiện chỗ nào đau thì cào nhiều lần vào chổ ấy cho tới khi giảm đau.Tác dụng: Làm máu lưu thông trong não, giảm đau mỏi toàn thân, giúp hệ thần kinh não bộ lập lại sự cân bằng, giải toả những bế tắc, đặc biệt hỗ trợ người bị liệt rất tốt.
11. Xoa nóng 2 vành tai. Vuốt tai xuống, cho nóng ấm chừng 30 lần. Hai bàn tay úp vào tai xoa tròn quanh tai cho nóng ấm thì dừng. Dùng hai bàn tay áp vào hai tai các ngón tay đặt ra sau gáy, rồi ép lòng bàn tay vào tai đồng thời dùng 10 đầu ngón tay gõ chẩm.Tác dụng: Làm khí huyết đưa lên não được lưu thông dễ dàng (làm ấm tai, ấm thận, ấm bao tử). Làm tai tiếp nhận âm thanh tốt, nghe rõ.
12. Gõ răng 10 lần (hai hàm răng dập nhẹ vào nhau). Đảo lưỡi (dùng lưỡi đảo khắp miệng cho đến khi ra nhiều nước miếng, khi đảo lưỡi đưa sát chân răng và lợi nhiều lần), rồi nuốt nước miếng, làm 3 lần cả thảy (để làm mát cơ thể, bổ chân âm).Tác dụng: Làm chặt lợi, lưu thông khí huyết vùng lợi để nuôi dưỡng răng. Nước miếng mang tính âm, làm mát dạ dày, làm mát cơ thể, bổ chân âm, chống thấp khớp, viêm khớp, khô khớp, làm người trẻ lâu, sát trùng bào tử, chống viêm họng, nhất là nước miếng buổi sáng.
LƯU Ý: Thời gian & liều lượng & những lưu ý khi mát xa mặt
Tốt nhất là vào buổi sáng, lúc còn nằm trên giường. Sau một đêm ngủ, cơ thể chưa hoạt động, mình sẽ tiến hành co duỗi người và mát xa như là cách khởi động, giúp năng lượng tuần hoàn, cơ thể ấm lên. Điều này đặc biệt tốt cho những bạn ở những vùng cao, hoặc vào mùa đông, hoặc phải thức dậy sớm.
Hạn chế mát xa vào buổi tối, vì mát xa giúp thần kinh cảm thấy hưng phấn, có thể gây khó ngủ.
Nếu ngại da mặt nhờn, bạn dùng khăn lau sơ qua rồi tiến hành mát xa. Nếu đợi sau khi rửa mặt mới làm sẽ khó thực hiện vì lúc này da mặt khá là khô.
Nhiều chị em có thói quen rửa mặt bằng nước ấm vào buổi sáng, giúp lưu thông máu, cũng như rửa sạch các loại kem dưỡng dùng qua đêm. Nhưng nếu mình chuyển qua mát xa mặt thì có thể bỏ qua bước này, hiệu quả và tác dụng đều tốt như nhau.
Đảm bảo sau khi mát xa bạn sẽ tỉnh táo và sảng khoái như được uống một ly cà phê vậy!
Không xoa những chỗ có mụn đầu trắng, mụn bị sưng
Ngoài những chỗ có mụn nói trên, những vị trí bị đau trên mặt, các bạn cứ xoa qua bình thường.
Nguồn: Diện Chẩn Điều Khiển Liệu Pháp (Bùi Quốc Châu), Bấm huyệt Việt