Nguyên Nhân Nào Khiến Đô Thị Miền Trung Ngập Lụt Nghiêm Trọng?

Người miền Trung bao đời nay đã quen với lũ lụt, và đúc kết thành câu ca dao “Ông tha, mà bà chẳng tha. Làm cho cái lụt hai ba tháng mười”. Nghĩa là đến 23 tháng mười âm lịch sẽ là đợt lụt cuối cùng của mỗi năm. Thế nhưng…

Thế nhưng, bây giờ đã bước qua tháng 11 âm lịch, mà nhiều đô thị miền Trung vẫn tứ bề nước lụt. Ngoài ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thì còn nguyên nhân nào khiến thảm trạng ấy liên tiếp xảy ra ở Đà Nẵng, Quảng Nam và vài tỉnh khác không?

Ngập lụt tại TP Đà Nẵng

Sau khi người dân của “thành phố thông minh” Sài Gòn khốn đốn vì ngập lụt, thì đến người dân của “thành phố đáng sống” Đà Nẵng bì bõm vì ngập lụt. Hai ngày 9 và 10 tháng 12, thành phố Đà Nẵng đã ngập lụt trên diện rộng. Các phương tiện giao thông gần như tê liệt, và người dân có thể ngồi nhà để vớt những con cá theo nước tràn vào từng ngõ ngách.

Ông Mai Mã – Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho rằng, “thành phố đáng sống” bị ngập do đô thị này chỉ chịu được lượng mưa 100 mm. Đây là một ý kiến chủ quan, bởi lẽ cả trăm nay Đà Nẵng không hề có chuyện bị ngập vì mưa. Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm phân tích: “Quy hoạch của Đà Nẵng có nhiều sai lầm dẫn đến sự cố ngập nước như vừa qua. Thứ nhất, vùng chứa nước tự nhiên của Đà Nẵng là phía Nam sông Cẩm Lệ thuộc phường Hòa Xuân, Hòa Quý không còn.

Trước đây, vùng này là vùng đồng ruộng, thấp hơn so với độ cao của TP Đà Nẵng và là nơi chứa nước khi mưa lớn. Nay thành phố quy hoạch, đắp toàn bộ khu vực này cao hơn mặt bằng của thành phố để làm khu đô thị. Dù toàn Đà Nẵng ngập vào ngày 9/12 nhưng Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân không ngập, chứng tỏ hồ chứa nước đó không còn nữa và toàn bộ nước dồn về thành phố theo nguyên tắc “nước chảy chỗ trũng”…. Sai lầm của Đà Nẵng là đắp ruộng Hòa Xuân, Hòa Quý và cả Hòa Liên ven sông Trường Định khiến cho nước không thoát được.

Thêm nữa, bên trong Đà Nẵng không còn hồ chứa nước, không còn công viên, mảnh vườn mà thay vào đó là bê – tông hóa, nước đổ xuống nền bê – tông không ngấm xuống đất”. Rõ ràng, với tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng và thiếu khoa học trong suốt một thập niên qua, Đà Nẵng đã phải trả giá. Đà Nẵng chỉ tăng trưởng hệ thống nhà cửa, hệ thống biệt thự và hệ thống du lịch mà không phát triển hệ thống thủy lợi.

Sau khi Đà Nẵng hứng chịu đợt ngập lụt kinh hoàng, thì Quảng Nam cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Thành phố Tam Kỳ và nhiều huyện khác của Quảng Nam như Thăng Bình, Quế Sơn, Phù Ninh đều lênh láng nước. Đây là một trận ngập lụt mà người dân Quảng Nam chưa từng chứng kiến.

Sự vật vã trong nước ngập, đã và đang gây bấn loạn cho nhiều đô thị miền Trung. Lượng mưa ở các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định cũng rất lớn, mà theo giải thích của TS Hoàng Phúc Lâm – Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương: “Do có sự kết hợp của 3 nhân tố gây mưa to đến rất to là gió đông bắc tầng thấp, địa hình và gió đông đến đông nam trên cao bổ sung thêm hơi ẩm”. Mùa mưa bão năm nay chưa hề có dấu hiệu kết thúc, vì vậy nỗi âu lo ngập lụt ở miền Trung vẫn ám ảnh từng khu phố, từng ngôi nhà, từng số phận.

Người miền Trung bao đời nay đã quen với lũ lụt, thế nhưng diễn biến gần đây của khí hậu đã nằm ngoài khả năng tiên liệu và chống chọi của họ. Cứ mưa to thì ngập nước là một chuyện phi lý. Bởi lẽ, miền Trung có địa hình đa dạng được kết hợp núi, sông và biển. Thử hỏi, nếu những cánh rừng đầu nguồn không bị tàn phá, thì có ngập lụt như vậy không? Thử hỏi, đừng san lấp sao hồ để làm công trình xây dựng, thì có ngập lụt như vậy không? Nhà cửa cứ được quy hoạch để mọc lên khắp nơi, mà hệ thống thoát nước không đảm bảo thì tránh sao được ngập lụt thường xuyên.

Ngập lụt tại Quảng Nam

Biến đổi khí hậu là thiên tai, nhưng ngập lụt ở những đô thị miền Trung không thể loại trừ yếu tố nhân tai. Thiên tai thì đành chịu, nhưng nhân tai không lẽ cũng nhắm mắt làm ngơ? Ngập lụt, không chỉ gây thiệt hại về tài sản, mà còn đe doạ tính mạng của người dân. Vì vậy, đã đến lúc phải tìm ra giải pháp hữu hiệu cho vấn nạn ngập lụt ở miền Trung. Nếu cứ nhắm mắt lao theo mô hình tăng trưởng bằng cách đô thị hóa cấp tập, thì hậu quả không thể nào lường hết được!

Cơn mưa dẫn đến ngập lụt trắng trời ở Đà Nẵng và Quảng Nam vừa qua, đã chứng minh rằng những đô thị ở miền Trung cũng đang vướng mắc về hệ thống thoát nước như Sài Gòn. Đô thị phát triển để người dân tập trung lại mưu cầu cuộc sống văn minh, chứ không phải để ngao ngán ngập lụp leo thang.

TS. Nguyễn Minh Hòa, một chuyên gia về đô thị, góp ý: “Có lẽ đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nghĩ đến một hệ thống chứa nước dưới lòng đất như của Tokyo, có thể không lớn bằng thì cũng cỡ 1/2 hay 1/3. Việc chống ngập lẻ mẻ, manh mún như nông dân đắp bờ như hiện nay vừa tốn kém tiền bạc, gây phiền phức cho đời sống cư dân mà hiệu quả quá thấp, chẳng thà tốn một lần cho đáng nhưng mang lại tương lai tốt đẹp cho con cháu mai sau…”.

Một hệ lụy kéo theo của ngập lụt là chất lượng đường sá xuống dốc rất nhanh. Sau mỗi đợt ngập lụt là bao nhiêu tuyến giao thông xuất hiện ổ gà, ổ voi chằng chịt. Do đó, cần nhanh chóng quy hoạch lại hệ thống thoát nước cho các đô thị. Bởi lẽ, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nề nhất, những cơn mưa dai dẳng vẫn tiếp tục đổ một lượng nước lớn xuống đô thị miền Trung gây ngập lụt triền miên.

TUY HÒA

(Kiến thức gia đình số 51)

Lũ Lụt Miền Trung: Thiệt Hại Nhân Mạng, Vì Sao?

Tính đến sáng 9-10, mưa lũ ở miền Trung và Tây Nguyên đã làm 4 người chết, 9 người mất tích. Đa số người bị nạn là chèo thuyền qua sông suối bị lật, chìm, chạy xe máy qua nơi ngập nước bị cuốn trôi…

Không ai không lo lắng cho sự an toàn của bản thân và gia đình trong mùa lũ. Về công tác thông tin tuyên truyền cho dân biết tình hình mưa lũ, thiên tai, có thể nói đã được làm khá tốt, hầu như người dân nào cũng được biết dù ít hay nhiều qua các phương tiện truyền thông, qua nhắc nhở của chính quyền địa phương. Nhưng những thiệt hại nhân mạng vẫn xảy ra. Vì đâu?

Dĩ nhiên nguyên nhân sâu xa, trực tiếp để trở thành tác nhân chính làm cho thiệt hại lớn hơn vẫn là tình trạng phá rừng. Nhiều vùng rừng trơ trọi, phơi ra những đồi trọc không thể giữ được nước nên khi có mưa, nước từ thượng nguồn đổ thẳng xuống gây nên lũ, sạt lở đất. Rừng còn bị phá để xây thủy điện trên nhiều sông suối. Những khi mưa kéo dài với vũ lượng lớn, các hồ chứa thủy lợi và thủy điện điều tiết xả lũ thì cư dân ở vùng hạ du lãnh đủ, phải chịu cảnh lũ lụt kéo dài và không ít người đã thiệt mạng vì mưa lũ.

Phá rừng cũng gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ mạnh lên, chảy xiết hơn; nhiều nơi xuất hiện lũ ống lũ quét, nhiều vực xoáy sâu gây nguy hiểm cho cư dân.

Thực tế cũng đã từng có lý do từ dự báo không chính xác, khiến cơ quan địa phương và người dân chủ quan, mưa bão mạnh hơn dự báo và vùng tâm bão, vùng xảy ra thiệt hại nặng nề nhất lại là nơi không ngờ, không được dự báo, nhất là những nơi núi lở, lũ quét gây thiệt hại cả một khu vực, một xóm nhà dân.

Ngoài nguyên nhân do sơ ý và xui rủi như dọn nhà bị điện giật chết hay cháu bé không được người lớn chú ý chăm sóc bị sẩy chân rơi vào nước lũ không kịp cứu, còn có sự chủ quan của người dân. Những trường hợp mưa to sóng lớn, nước dâng cao, chảy xiết thì không nên qua sông qua suối, mà hãy chờ phương tiện cứu hộ của cơ quan phòng chống thiên tai của địa phương hỗ trợ. Người liều mình qua sông đã phải trả giá đắt bằng chính sinh mạng của mình.

Những thiệt hại nhân mạng là không đong đếm được, nỗi đau mất mát đeo đẳng người thân của họ cả đời. Thiệt hại từ các thiên tai lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm, khó khắc phục hậu quả trong thời gian ngắn, trong khi lũ lụt luôn quay lại hoành hành từng năm.

Thiên tai luôn có sức mạnh đáng sợ và nguy hiểm, nhất là những nguy cơ tiềm tàng và bất ngờ, cho dù con người đã làm chủ nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, có phương tiện để phòng chống. Những phương tiện đó vẫn chỉ nhằm hạn chế một phần thiệt hại chứ không thể chế ngự được thiên tai. Do đó, phòng chống tốt nhất vẫn là ý thức của từng người và của các chính quyền địa phương với trách nhiệm cao nhất, luôn đề cao cảnh giác và nỗ lực cao nhất để bảo vệ, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho dân.

Miền Trung Ngập Lụt Trên Diện Rộng Có Phải Do Thủy Điện Xả Lũ?

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 và mưa lớn do Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra ngày 11-10, đại tá Nguyễn Hữu Hùng – phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn – cho rằng dù mưa lớn nhưng hiện nay các hồ chứa, hồ thủy điện ở khu vực miền Trung vẫn còn dung tích để cắt lũ.

Tuy nhiên, việc điều tiết xả lũ vừa qua gây nên ngập lụt, nhiều nơi bị ảnh hưởng là do xả lũ . Do đó, ông Hùng đề nghị phải xả lũ theo đúng quy trình và có thông báo để an toàn, báo động cho người dân và các lực lượng đang tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Đại diện Bộ Công thương cho biết bộ nhận định đặc điểm đợt mưa lũ này tập trung ở đồng bằng ven biển và vùng trung du các tỉnh Trung Bộ. Còn khu vực giúp các hồ tích được nước ở vùng núi thì không giữ được nước nên mưa lúc nào xuống lúc đó. Vì thế Bộ Công thương cùng các tỉnh cố gắng điều hành các hồ để vừa đảm bảo không ngập lụt ở hạ du vừa đảm bảo vận hành đúng theo mùa lũ.

“Nhận định thủy điện xả lũ gây ngập lụt là chưa toàn diện, không đúng” – đại diện bộ Công thương phản ứng.

Theo đại diện Bộ Công thương, các hồ thủy điện xả lũ căn cứ vào lượng mưa lũ về và vận hành theo đúng thời gian mùa lũ để làm sao đảm bảo an toàn.

“Ví dụ hồ thủy điện Bình Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), lưu lượng về chỉ 700m 3/s, nhưng xả 1.500m 3 để đón lũ. Hồ thủy điện Hương Điền chúng tôi luôn phải giữ dưới mực nước dâng bình thường 58m. Hồ thủy điện A Vương (tỉnh Quảng Nam) cương quyết đảm bảo mực nước nhỏ hơn 380m, hiện đang duy trì 373m.

Tại thủy điện Quảng Trị, chúng tôi duy trì ở ngưỡng 477,5m, dưới ngưỡng dâng bình thường là 480m. Chúng tôi vẫn vận hành như vậy để có dư địa cho các đợt mưa lũ sau” – đại diện Bộ Công thương giải thích.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết khu vực miền Trung có hai hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn (Quảng Nam) và sông Hương (Huế) rất quan trọng trong việc điều tiết, vận hành xả lũ.

“Ngày đêm chúng tôi cập nhật, tính toán để vận hành. Chúng tôi phải tính toán làm sao để chấp nhận ở một thời điểm nếu nước hạ du cho phép thì sẽ xả ngay. Để có dung tích dự phòng đón lũ. Đây là nguyên tắc vận hành” – ông Hiệp nói

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, các hồ chứa, hồ thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn và sông Hương thông tin chưa đầy đủ tới Ban chỉ đạo để tính toán vận hành.

“Một số hồ như Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền (Thừa Thiên Huế) chưa có trên hệ thống theo dõi. Hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn các hồ thủy điện Sông Tranh, A Vương… cũng không có.

Nếu có số liệu trên bản đồ thì có thể tính toán vận hành ngay trong thời gian ngắn. Nếu không có sẽ rất khó trong công tác tính toán, vận hành xả lũ. Công tác vận hành xả lũ trong 5-10 ngày tới đóng vai trò quyết định” – ông Hiệp nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng mưa lũ còn diễn biến phức tạp ở miền Trung, đặc biệt các hồ lớn hết sức lưu ý, Ban chỉ đạo và Bộ Công thương phải tập trung điều hành xả lũ khoa học, nhuần nhuyễn và có thực tiễn, nếu chủ quan là “gay”.

“Công tác vận hành liên hồ chứa tại các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Nam cần đặc biệt chú ý điều hành, điều tiết, cắt lũ phải điều hành rất ‘nghệ thuật’. Thảm họa hay không là công tác điều hành, vận hành ở các trục hồ rất lớn” – ông Cường nhấn mạnh.

Vì Sao Thảm Họa Lũ Lụt, Sạt Lở Liên Tiếp Xảy Ra Ở Miền Trung?

Lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng liên tiếp xảy ra, gieo đau thương tang tóc lên đồng bào miền Trung, khiến các chuyên gia phải đau đớn thốt lên: “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”.

Lũ ngày càng lớn

Trước nay sạt lở đất chỉ xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc, rất ít khi xảy ra ở miền Trung. Nhưng gần đây các tỉnh miền Trung lại liên tiếp xảy ra sạt lở đất.

Phân tích về nguyên nhân gây ra lũ lụt, sạt lở nặng nề đang diễn ra tại miền Trung, trao đổi với phóng viên Lao Động, chúng tôi Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam – cho rằng: Rừng bị phá tàn khốc, thảm thực vật bị mất đi, nên lũ về miền Trung mới lớn như vậy, liên tiếp gây ra sạt lở nghiêm trọng. “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”- ông thốt lên.

“Vì nếu có thảm thực vật, nước mới ngấm xuống đất, mỗi hecta rừng có thể thu được 4 mét khối nước. Mưa xuống, nước sẽ chia làm mấy nhánh, một là sẽ ngấm xuống đất, vướng trên lá rồi bốc hơi, còn lại thì sẽ chảy thành lũ. Mất rừng, chẳng còn gì cả, đất không thấm nước, lá cũng không còn, lũ sẽ mạnh. Lũ mạnh, chảy tràn lên”- Giáo sư Hồng nhận định.

Theo các chuyên gia, nếu miền Trung càng mưa nhiều, tình trạng sạt lở sẽ càng mạnh.

“Sông miền Trung ngắn và dốc, đất dốc và nhiều lớp sét. Từ xưa đã có cảnh báo nếu xây dựng hồ chứa và đập tràn ở miền Trung thì phải cẩn thận vì đất không thấm nước”- GS Hồng chia sẻ.

Vị Giáo sư này phân tích: Những chỗ bị sạt lở đều là đất trơ trọi, không có thảm thực vật. Khi mưa, nước sẽ dần thấm vào, lớp đất ấy đã bị tác động từ lâu, nắng lên, đất sét đã bị phong hóa, sau đó, trọng lượng tăng do mưa dồn xuống, theo nguyên tắc trên độ dốc sẽ trượt khi lực đẩy xuống lớn hơn lực giữ.

“Lực giữ ở đây đã kém do đất sét bị phong hóa vì phá rừng, mất thảm thực vật. Xây thủy điện, phá rừng đã làm cho đất bị phong hóa, từ phong hóa làm thay đổi kết cấu của đất, lực giữ giảm đi, chưa kể mưa dồn mạnh hơn vì không còn dòng chảy mặt, trọng lượng tăng lên, lực giữ kém nên mới xảy ra sạt lở…”- nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay.

Nếu có trồng lại rừng sau khi rừng bị phá, chúng ta cũng phải mất 50 năm rừng mới khôi phục lại được. Ông cho biết, 50 năm sau, rừng mới có thể tái tạo khả năng giữ nước.

“Rừng trồng mới, dù 10 năm cũng không có tác dụng. Phải mất 50 năm lá rừng rụng xuống, mục ra, hình thành thảm thực vật dày 1 mét thì mới ngấm được nước. Dòng chảy mặt là dòng nguy hiểm nhất, rừng mất lớp mùn thì sẽ chẳng giữ được nước, nước sẽ trôi tuột đi tạo thành lũ”- GS Hồng nói.

Nạn phá rừng nghiêm trọng

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, mặc dù diện tích rừng bị thiệt hại giảm 270ha/năm, trong 4 năm từ 2023-2023, diện tích rừng bị thiệt hại đã lên tới 7.283ha. Như vậy, trung bình mỗi năm chúng ta mất đi 2.430ha rừng.

Theo nhận định của Viện Điều tra và quy hoạch rừng, lý do chính khiến diện tích rừng tự nhiên bị giảm sút là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt là tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Theo chuyên gia lâm nghiệp – GS Nguyễn Ngọc Lung, rừng phát huy hiệu quả trong việc chắn gió, cản sức nước và góp phần làm suy yếu sức mạnh của gió tại các vùng mà bão đi qua. Mặt khác, rễ của cây cũng sẽ góp phần hút nước lũ.

Hậu quả của việc phá rừng là tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém… Tình trạng mưa lũ ở nước ta trở nên nghiêm trọng, khốc liệt hơn, chính là do nạn chặt phá rừng.

Phá rừng đã gây ra sự suy giảm thảm thực vật ở lưu vực; khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ giảm, khiến tốc độ di chuyển của mưa lũ nhanh hơn. Bên cạnh đó, còn vấn nạn phá rừng đầu nguồn để khai thác gỗ, phát triển nông nghiệp, thủy điện… Tất cả đều đã trở thành “thủ phạm” gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở miền Trung.

Vì Sao Bão Hay Đổ Bộ Vào Miền Trung?

Vì sao bão hay đổ bộ vào miền trung?

Bão là một cách “xả nhiệt” cho đại dương

Bão chỉ có thể hình thành khi có đủ 3 điều kiện: Nhiệt, ẩm và động lực để tạo xoáy.

Thời gian hoạt động chính trong năm của bão, áp thấp nhiệt đới là vào mùa Hè và mùa Thu: Từ tháng 6 đến tháng 11 (ở Bắc Bán Cầu) và tháng 12 đến tháng 3 năm sau (ở Nam Bán Cầu), bão xuất hiện nhiều nhất vào mùa Hè và mùa Thu, vì vào thời gian này có đầy đủ các điều kiện thuận lợi nhất cho sự hình thành và phát triển của bão: Nhiệt độ nước biển cao (ít nhất là từ 26oC trở lên), khí quyển vùng nhiệt đới khá thuận lợi cho sự phát triển đối lưu và chuyển động xoáy qui mô lớn xảy ra khá mạnh mẽ.

Bão hình thành ở các vùng nhiệt đới vì hiện tượng thiên nhiên này cần một dòng nước rất nóng, tối thiểu là 26 độ ở độ sâu ít nhất là 50m. Bão thường hình thành gần đường xích đạo và có khuynh hướng đi về 2 cực của trái đất, càng đi xa vận tốc càng lớn nên ở vùng gần đường xích đạo thường ít chịu ảnh hưởng từ những cơn bão.

Thực chất bão là một cách “xả nhiệt” cho đại dương. Hầu hết bão thường đi men theo rìa các áp cao và chịu lực hút từ các vùng áp thấp. Ở nước ta, những tháng mặt nước biển chứa nhiều năng lượng nhất (tháng 7,8,9) rãnh thấp thường nằm vắt ngang miền Trung nên bão cũng thường theo đường đó mà đi.

Nói cách khác, miền Trung là nơi có thời tiết khắc nghiệt khi phải hứng chịu gió phơn Tây Nam. Gió này mang hơi ẩm nhiều (do đi qua biển Ấn Độ Dương), nên thường gây ra mưa. Do bị gió phơn ảnh hưởng, nên khi bão hình thành ở biển Đông, sẽ bị gió đẩy lên trên phía bắc. Càng về các tháng sau gió càng yếu nên bão có xu hướng dịch chuyển dần về miền Trung.

Hàng năm những trận bão biển và gió mùa Đông Bắc thường gây nên những trận mưa lớn ở miền Trung. Hơn thế nữa, những biến đổi thời tiết trên toàn thế giới như dòng nước El Nino và La Nina cũng khiến những trận bão biển, mưa lớn xảy ra khốc liệt hơn.

Mùa mưa bão thường kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11, trung bình mỗi năm có 5 – 8 cơn bão. Trong những năm 2006 đến 2023, miền Trung đã chịu ảnh hứng của 7 cơn bão lớn, nhiều đợt áp thấp nhiệt đới và hàng chục đợt gió mùa Đông Bắc. Những cơn bão biển và áp thấp nhiệt đới này thường xuất phát từ các nước trong khu vực như Phillipines, Trung Quốc… Sau 3, 4 ngày di chuyển thì nó đến bờ biển nước ta.

Theo thang xếp hạng Saffir-Simpson dành cho vùng Đại Tây Dương và Đông Thái Bình Dương, khi bão ở mức trên 117km/giờ thì được phân chia theo năm cấp về sức gió. Theo đó, ở cấp 1 sức gió tối đa trong khoảng 118 – 153km/giờ, cấp 2 (154-177km/giờ), cấp 3 (178-209km/giờ), cấp 4 (210-249km/giờ), và cấp 5 (trên 250km/giờ) thì được gọi là “siêu bão” vì sức gió vượt quá 249km/giờ. Một qui định khác là khi áp suất đạt dưới 920 HPA thì được xếp vào hàng siêu bão.

Kinh nghiệm ứng phó với cơn bão lớn

Theo dõi kịp thời dự báo thời tiết để có phương án chống bão chủ động

Trong trường hợp địa phương mình không nằm trong tâm bão, bạn có thể thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, nơi bạn sống có thể vẫn chịu ảnh hưởng của bão như mưa to, gió mạnh. Chính vì thế, trong thời gian bão “lướt” qua, các bạn không nên ra khỏi nhà để tránh trường hợp cây đổ, dây điện hay các vật dụng khác rơi vào người.

Còn khi ở nhà, các bạn hãy chịu khó tắt hết các thiết bị điện, rút ăng ten ra khỏi tivi bởi sấm sét có thể gây cháy nổ bất cứ lúc nào. Những nhà nào ở khu vực hay bị ngập úng, hãy di dời các thiết bị điện tử ở tầng 1 lên khu vực cao hoặc tầng trên, đồng thời ngắt cầu dao ở dưới để tránh chập điện, chúng có thể gây nguy hiểm tính mạng cho bạn và người thân trong gia đình.

Còn nếu địa phương nằm trong tâm bão, bạn cùng gia đình cũng phải chuẩn bị khá nhiều. Dùng các miếng gỗ lớn để che chắn cửa kính, cửa sắt kéo (nhớ là chắn bên ngoài chứ chắn bên trong không có tác dụng). Làm như vậy các cửa sẽ không bị phá hoại do gió bão. Với những nhà có mái tôn, mái ngói, hãy lấy bao cát nặng chừng 20kg chặn lên trên (để tránh bay mái nhà), mỗi bao cách nhau 0,5 mét. Hoặc chắc chắn hơn, dùng dây cáp choàng qua mái tôn và neo cọc sâu xuống đất (cứ 2 mét nên có 1 sợi cáp).

Khi đã gia cố nhà cửa chắc chắn, mỗi nhà nên tích trữ lương thực dùng đủ cho cả gia đình trong vòng 1 tháng nếu nằm trong khu vực lũ hay về. Mì gói là loại thực phẩm dễ tích trữ và để được lâu nhất mà không cần bảo quản trong hoàn cảnh này. Bên cạnh đó, hãy trữ nước ngọt càng nhiều càng tốt. Chậu, xô, bồn nước lớn,… tất cả những gì đem đựng được hãy dùng để trữ nước sạch. Ngoài ra, cũng cần chuẩn bị thuốc men vì sau bão nhiều vùng ngập nước rất dễ gây dịch bệnh.

Theo TPO