Vì Sao Lão Hạc Chết / Top 6 # Xem Nhiều Nhất & Mới Nhất 5/2023 # Top View | Channuoithuy.edu.vn

Vì Sao Lão Hạc Chọn Cái Chết Bằng Bả Chó?

Cái chết dữ dội và đau đớn của lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao khiến nhiều người ám ảnh. Độc giả không khỏi băn khoăn: Tại sao lão Hạc lại chọn cái chết đau đớn bằng bả chó như thế?

Lão Hạc là nhân vật chính trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. Dường như tất cả những đau đớn, khổ cực của cuộc đời dồn hết lên đôi vai gầy guộc của lão Hạc. Vợ mất sớm, một mình lão gà trống nuôi con. Lúc con lớn lên, vì không có tiền để cho cậu con trai lấy vợ khiến anh ta quẫn chí bỏ đi làm đồn điền cao su. Việc ấy khiến lão Hạc ân hận cả đời. Đến tận lúc tìm đến cái chết, lỗi ân hận vì không thể lo vợ cho con vẫn hằn sâu trong đôi mắt của lão. Đây cũng chính là nguyên nhân đẩy lão Hạc đến tận cùng của những bi kịch.

Cả đời lão Hạc chìm trọng cô đơn và ân hận. Ân hận vì không lo đủ tiền cưới vợ cho con. Ân hận vì không thể chờ đến ngày con trở về. Ân hận vì phải bán cậu Vàng – người bạn thân thiết giúp lão bớt cô đơn trong những năm tháng cuối đời. Ân hận vì lỡ lừa một con chó… Những nỗi ân hận ấy khiến cuộc đời vốn tăm tối của lão càng chìm trong đau đớn.

Trước hết lão Hạc là người hết lòng thương con. Khi con bỏ đi đồn điền cao su, lão ở nhà ngóng từng ngày, từng giờ đứa con trai dại dột ấy trở về. Lão nuôi cậu vàng không chỉ đơn giản để có người bầu bạn. Cậu vàng được mua về với mục đích sẽ thịt làm đám cưới cho con lão. Nhưng đám cưới không có, cậu Vàng “bất đắc dĩ” trở thành người bạn của lão Hạc. Trong câu chuyện mà lão Hạc thường nói với cậu Vàng, lão vẫn nhắc đến chuyện sẽ “giết” cậu vàng để làm đám cưới cho con. Đó không chỉ là câu chuyện với con vật tội nghiệp ấy mà lão đang nói với chính mình. Đó là mong mỏi, là mơ ước của lão Hạc. Không giây phút nào lão không mong con trở về để lão có thể cưới vợ cho con. Đó là việc làm cuối cùng lão có thể làm cho con. Nhưng đứa con cứ biệt vô âm tín. Lão cứ chờ đợi, chờ đợi trong vô vọng.

Cậu Vàng là người bạn chia sẻ vui buồn với lão Hạc. Đó không chỉ là kỷ vật của con để lại, không chỉ là hiện thân của niềm hi vọng cưới vợ cho con mà còn là người thân duy nhất bên lão lúc tuổi già bóng xế. Lão chỉ có con chó để chia sẻ sớm tối. Lão chăm sóc nó, yêu thương, chiều chuộng nó như chiều một đứa cháu nội. Lão nói chuyện với cậu Vàng như nói chuyện với một con người.

Còn gì đau đớn hơn khi tự tay chấm dứt sự sống của người bạn thân yêu nhất của mình! Chẳng ai có thể thấu hết được nỗi đau đớn ấy của lão Hạc. Chính vì vậy “lão cười mà như mếu và đôi mắt ầng ậc nước”. Chính vì vậy, “Mặt lão đột nhiên co rúm lại, những nếp nhăn xô lại ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu của lão nghoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc.” Nam Cao rất tinh tế khi miêu tả nỗi đau của người đàn ông cả đời chịu bao tủi nhục đắng cay. Nỗi đau ấy hiện hình trên khuôn mặt khắc khổ của lão. Nỗi đau ấy bật thành những giọt nước mắt.

Chính nỗi đau đớn khi bán đi hi vọng cưới vợ cho con, tự tay giết chết người bạn thân thiết nhất của mình và đặc biệt là nỗi ám ảnh: “Thì ra tôi bằng này tuổi đầu lại đi lừa một con chó” khiến lão Hạc tìm đến cái chết bằng bả chó. Cái chết ấy thật dữ dội và đau đớn. Đó có thể là cách lão Hạc chuộc lỗi với cậu Vàng. Chọn cái chết ấy, lão sẽ bớt đi cái cảm giác tội lỗi và ân hận.

Nhiều người cho rằng Nam Cao quá tàn nhẫn khi chọn cái chết dữ dội và đau đớn cho lão Hạc. Tuy nhiên, cái chết ấy có thể hoàn thiện nhân cách của một con người. Một người nông dân nghèo khổ, túng quẫn nhưng đến lúc chết vẫn không muốn mắc nợ ai – kể cả mắc nợ một con chó!

Nguyên Nhân, Ý Nghĩa Cái Chết Của Nhân Vật Lão Hạc

Nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn đã chọn cái chết túng quẫn, tuyệt vọng. Em hãy trình bày nguyên nhân và ý nghĩa cái chết của nhân vật Lão Hạc trong truyện.

Tác giả – Tác phẩm

Nam Cao (1915 – 1951) quê ở Hà Nam. Cuộc đời, sự nghiệp văn học của ông cũng rực rỡ từ trước và sau cách mạng tháng Tám. Nói đến truyện ngắn, nghệ thuật trong xây dựng các câu chuyện của ông rất đặc sắc và lôi cuốn. Các đề tài của ông thường xoay quanh cuộc sống của những người nông dân nghèn hèn trước cách mạng tháng Tám. Với mỗi câu chuyện, ông luôn thể hiện những triết lý nhân sinh sâu sắc. Các tác phẩm tiêu biểu như: Đôi lứa xứng đôi, Nửa đêm, cười, Ở rừng…

Lão Hạc là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông viết về đề tài người nông dân, năm 1943. Trong giai đoạn trước cách mạng tháng Tám 1945, cuộc sống của những người nông dân chìm vào bóng tối với những cơ cực, bần hàn. Nam Cao đã thâm nhập vào đời sống đó thể hiện một cách giản dị những đau khổ, tuyệt vọng đó.

Khái quát về nhân vật Lão Hạc

Tình cảnh của Lão Hạc

– Vợ lão mất sớm, lão phải rơi vào cảnh gà trống nuôi con. Lam lũ nuôi con, đến khi con lão đến tuổi lấy vợ nhưng vì nhà nghèo mà nhà gái lại thách cưới cao quá nên con trai lão phải bỏ đi làm đồn điền cao su. Vì vậy, lão phải sống thui thủi một mình. Ngày qua ngày, lão nhớ con lão, chỉ biết gửi gắm thứ tình cảm đó vào một con chó – là kỉ vật của người con trai lão để lại.

– Lão yêu thương và bầu bạn với nó. Nhưng vì nghèo đói mà lão phải quyết định bán nó đi. Rồi lão dằn vặt mãi. Cậu Vàng chết rồi lão chỉ còn khoai để ăn, đến lúc khoai cũng hết, lão tự chế món ăn cho mình.

– Nghèo khổ đến nỗi lão quyết định ăn bả chó để kết thúc cuộc đời mình.

Phẩm chất của Lão Hạc

– Là một người có tấm lòng nhân hậu: Lão Hạc là người nông dân thật thà, hiền lành, chất phác. Đến ngay với Cậu Vàng, lão cũng đối xử đặc biệt, tốt như đối với đứa con của mình vậy. Lão cho nó ăn, bắt rận cho nó, bầu bạn với nó như với một con người. Đến khi phải bán cậu Vàng, lão rất ân hận và dằn vặt vì đã chót lừa một con chó.

– Tình yêu thương con sâu sắc: nếu đối với cậu Vàng, lão đối xử tốt như đối với con người thì đó cũng chính là cách lão thể hiện cái tình yêu thương con lão. Bởi đó là kỉ vật mà con trai lão để lại. Lão lo cho tương lai của con vì nghĩ nếu bán vườn thì lấy gì mà sống. Nhưng khi con lão bỏ đi thì lão lại dằn vặt bản thân. Lão ốm đau và dùng vào số tiền con lão đã cho càng làm lão khổ tâm hơn nữa. Thế là lão quyết định ra đi bằng cách ăn bả chó.

– Là một người giàu lòng tự trọng: cảm thấy có lỗi khi chót lừa một con chó. Rồi lão từ chối mọi sự giúp đỡ của ông giáo. Thậm chí lão còn tính toán chu toàn cho cái chết của lão. Để lại tiền làm ma, còn lại thiếu thì nhờ bà con hàng xóm. Lão để lại tài sản là vườn lại cho con lão và nhờ ông giáo giao lại khi con lão về.

Nguyên nhân và ý nghĩa cái chết Lão Hạc

1. Nguyên nhân Lão Hạc chết

– Lão Hạc là một người nghèo khổ nhưng có lòng tự trọng, không muốn gây phiền hà lối xóm. Lão là con người hết sức tự trọng, quyết không nhận bố thí. Trong tình cảnh túng quẫn, tuyệt vọng lão Hạc đã bị đẩy vào con đường chết để giải thoát.

– Lão tự nguyện tìm đến cái chết một cách tự nguyện cũng. Lão Hạc người khí tiết, có lòng tự trọng. Thà chịu đói, chịu chết chứ không nhờ người khác. Cái chết đau đớn là do lão tự chọn. Lão Hạc là con người “đói cho sạch, rách cho thơm”, con người coi trọng nhân phẩm hơn cả cuộc sống.

Suy cho cùng đây số phận chung của những người trước cách mạng tháng Tám nghèo đói và túng quẫn.

2. Ý nghĩa về cái chết của Lão Hạc

Trong truyện Lão Hạc đã chết bất ngờ trong sự nghèo đói, túng quẫn, cái chết đó hậu quả của một xã hội phong kiến mục nát. Cái chết dữ dội, đau đớn, sống trên đời có nhiều cái chết nhẹ nhàng nhưng Lão Hạc lại chọn cái chết thật đau đớn như một lời tạ lỗi với cậu Vàng- kỉ vật người con trai. Có lẽ cái chết tuy đau đớn về thể xác nhưng chắc chắn sẽ thanh thản về tâm hồn của mình.

Ý nghĩa chính: cái chết như đã tố cáo trức tiếp về xã hội phong kiến bất công, tàn ác, xấu xa đã chà đạp lên số phận đau thương của bao mảnh đời bất hạnh. Xã hội đó đẩy con người và bức chân đường cùng không lối thoát khiến họ phải tìm đến cái chết để tự giải.

Qua cái chết đó ta càng kính trọng những phẩm chất tốt đẹp, nhân cách cao quý người nông dân: chất phác, hiền lành, sống có tình có nghĩa… sau đó ta thương tiếc xót xa trước cảnh đời bi thảm của người nông dân trong chế độ cũ.

Lão Hạc chết sẽ mang đậm màu sắc bi thương, một mảng màu tối nhưng khiến người đọc có thêm niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người trước hoàn cảnh nghiệt ngã. Đó là giá trị nhân văn sâu sắc mà tác giả đã gửi gắm vào truyện ngắn này.

Suy Nghĩ Của Em Về Cái Chết Của Lão Hạc Trong Truyện Ngắn Cùng Tên Của Nam Cao

Suy nghĩ của em về cái chết của Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao – Bài làm 1

Lão Hạc là truyện ngắn phản ánh chân thực nhất cảnh đời cơ cực, nhiều cay đắng nhất của người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Có thể nói là xã hội này đầy rẫy những bất công, đẩy người nông dân vào bế tắc, tuyệt vọng, không lối thoát. Nam Cao đã xây dựng thành công hình ảnh Lão hạc với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân nhưng cuối cùng số phận bi thảm. Cái chết của Lão Hạc cuối truyện luôn ám ảnh người đọc, bởi giá trị mà nó muốn nhắn gửi sâu xa như thế nào.

Ngay từ đầu câu chuyện, Nam Cao đã giới thiệu hoàn cảnh vô cùng khó khăn, cùng cực và cô độc của Lão Hạc. Con trai thì đi cao su biền biệt chưa thấy về, lão già yếu, chỉ sống với cậu Vàng và mảnh vườn nhỏ. Lão thương con trai và mong muốn nó quay trở về đây. Tấm lòng đó của Lão thực sự đáng trân trọng và cảm phục.

Tuy nhiên cuộc sống càng ngày càng thiếu thốn, bệnh tật triền miên, lão không muốn cậy nhờ ông giáo và không muốn làm phiền đến hàng xóm nên đã xin Binh Tư ít bả chó. Lão bảo lão xin bả chó để bẫy con chó đi lạc nhưng thực ra để giải thoát bản thân mình, cũng là để tiền lại cho con, không làm gánh nặng cho bất kì ai.

Cái chết của lão Hạc để lại trong lòng người đọc nhiều ám ảnh. Lão chết, cái chết đó giàu giá trị nhân văn, cũng như phản ánh chân thực hiện trạng xã hội Việt Nam lúc bấy giờ đang rơi vào bế tắc như thế nào.

Vì bế tắc, vì nghèo đói, vì lòng tự trọng nên cái chết là sự lựa chọn cuối cùng, dù là bất đắc dĩ thì nó cũng có thể kết thúc trong êm đẹp. Xã hội Việt Nam bất giờ cái nghèo đói tràn lan, thực dân phong kiến đã đẩy những người nông dân đến bước đường cùng như thế này.

Vốn dĩ lão Hạc là người có lòng tự trọng rất cao, nên dù khó khăn thế nào, lão cũng không muốn cậy nhờ bất cứ ái. Chính lòng tự trọng “hác dịch” đó đã buộc lão phải nghĩ đến cái chết, dù thực tâm lão vẫn muốn sống và khát sống một cách mãnh liệt. Một sự đối lập đến chua xót như vậy.

Lão chết, cái chết bộc lộ cao nhất tình yêu thương con vô bờ bến. Ông không muốn làm gánh nặng cho con sau này, ông muốn giành dụm hết tiền cho con, mình không dùng đến đồng nào. Tình cảm ấy thật vĩ đại và vượt khỏi sức tưởng tượng của con người.

Cái chết của Lão Hạc vừa phản ánh sự bế tắc của thời đại, của con người; đồng thời giải phóng chính lão hạc khi muốn mang đến những điều tốt đẹp cho đứa con của mình.

Thật vậy, truyện ngắn “Lão Hạc” kết thúc với cái chết đầy bi kịch và bế tắc của lão đã khiến người đọc suy nghĩ rất nhiều về con người, tình người, về cái đói, cái nghèo và về lòng tự trọng.

Suy nghĩ của em về cái chết của Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao – Bài làm 2

Cuộc sống luôn vận động và con người trong cuộc sống luôn phải nương theo dòng chảy của nó. Sống trong chính cuộc đời, con người luôn phải có nhiều nỗi lo toan trăm bề mà trong truyện “Lão Hạc” của Nam Cao lại là một bực tranh hiện thực, trong bức tranh ấy người nông dân chân chất hiện lên, với những suy nghĩ, lo toan, tính toán cho tương lai và dưới cái nhìn của ông giáo. Nếu đặt nội dung của triết lý ấy vào trong ngữ cảnh của bài thì ta thấy rằng khi lão Hạc thể hiện suy nghĩ của mình với ông giáo rằng xin thuốc về cho con chó vàng thì câu đầu tiên ấy có ý nghĩa tương đương rằng cuộc đời này sao sinh voi lại chẳng sinh cỏ, sinh ra các sinh linh nhưng lại chẳng cho chúng một con đường sống. Và cũng cần xem xét lại tình cảm sâu sắc giữa lão Hạc và con chó vàng, phải chăng vì sự tồn tại hay vì bản thân mà con người chối bỏ đi tình cảm của mình… Nhưng khi câu chuyện kết thúc với cái chết thương tâm của lão Hạc “thì cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn” vì những tình cảm của con người vẫn tồn tại trọn vẹn, vẫn viên mãn, vẫn còn nhiều cái tốt để đáng sống, “nhưng lại đáng buồn theo nghĩa khác” rằng trong cuộc đời tồn tại một con người nhân nghĩa, biết lo xa, bất chấp bản thân mình để hi sinh, để thanh thản thì đó là một điều tốt, nhưng cũng vì hoàn cảnh, cũng vì cuộc sống không như ý muốn nên trên đời mất đi một con người tốt, đẹp đẽ, vậy có công bằng?! Triết lý trong truyện đã khiến ta thêm suy nghĩ, phân tích cũng như có khả năng nhìn nhận được nhiều khía cạnh rất khác nhau, dưới những hình ảnh cũng không giống nhau của một sự vật, sự việc mà bản chất là những gì gần gũi với cuộc sống.

Cậu Vàng nề

Qua nhiều làn Lão Hạc nói đi nói lai về ý định bán cậu Vàng (con chó và cũng là người bạn thân của Lão), có thể thấy lão đã suy tính, đắn đo nhiều lắm. Lão coi việc này rất hệ trọng bởi con chó Vàng này là người bạn tri kỉ của lão, cũng là kỉ vật để lão nhớ về người con đang đi đồn cao su vì trước đây nó rất thương yêu con Vàng.

Sau khi bán cậu Vàng, lão cứ day dứt ân hận mãi vì già bằng này tuổi đầu rồi còn đi lừa 1 con chó. Cả đời ông già nhân hậu này đã nỡ lừa dối 1 ai bao giờ. Xét về cử chỉ, bộ dạng lão Hạc khi nói với ông giáo chuyện bán chó:

– Lão cố vui lên nhưng lại “Cười như mếu” và đôi mắt lạo ầng ậng nước.

– Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những nếp nhăn ép lại với nhau xô cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lạo nghẹo về 1 bên và miệng lão móm mém như con nít, Lão hu hu khóc.

(Đây chưa phải là 1 văn bản hoàn chỉnh với đề bài mà chỉ là ý chính, các bạn cần tự sắp xếp thành 1 văn bản hoàn chỉnh).

Lão Hạc chết vì muốn giữ mình vẫn là 1 người nông dân lương thiện.

– chết để bảo toàn mảnh vườn cho đứa con trai mà ông luôn tin rằng nó sẽ trở về.

– chết để ko làm phiền đến hàng xóm láng giềng.

– chết vì sợ ông sống sẽ phí phạm đến số tiền mà mình đã giành dụm cực khổ bao năm nay.

– chết vì để thoát khỏi cái xã hội phong kiến bức bách và đầy rẫy những thứ xấu xa.

– và cũng có thể chết vì ân hận khi đã bán cho Vàng.

Suy nghĩ của em về cái chết của Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao – Bài làm 3

Đọc xong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, hẳn không ít người còn day dứt, dằn vặt và suy nghĩ về cái chết của lão. Chưa bao giờ ta lại thấy được rõ nét như lúc này về ranh giới giữa trắng và đen, giữa thị phi và đạo đức lại mỏng manh và nhập nhằng như lúc này. Cái chết của Lão Hạc là cái chết để nói lên tính cách, nhân cách của chính lão.

Lão Hạc là một nông dân nghèo, vợ lão chết để lại cho hai cha con lão một mảnh vườn, thằng con trai đã đến tuổi lấy vợ, nhưng vì nghèo quá không đủ tiền thách cưới. Con trai lão cũng vì thế mà bỏ đi làm đồn điền cao su năm hay sáu năm nay chưa thấy về. Lão Hạc đã tìm đến cái chết. Lão chết để lại cho mọi người sự bàng hoàng, xót xa. Có thể nói, lão chết vì đã nỡ lừa một con chó không ? ” Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó”. Con chó đó được anh con trai lão mua về, khi anh đi làm thì để lại cho lão nuôi. Lão coi nó như một người bạn tri kỷ, một đứa con, đứa cháu tinh thần mà anh con trai để lại, khi ông nói chuyện với nó, ông gọi anh con trai là “bố cậu”, thế nên ông đặt tên cho nó là “cậu Vàng”. Có chuyện gì lão cũng kể cho cậu nghe, lão ăn gì, nó ăn nấy, có khi nó còn ăn nhiều hơn lão nữa. Vậy mà, lão quyết định bán nó. Nhưng quyết định bán cậu Vàng của lão đưa ra thật không dễ dàng chút nào. Lão đã nhắc đến chuyện này nhiều lần rồi, đến nỗi ông giáo “nghe câu ấy đã nhàm”. Thế nhưng, lần này lão làm thật. Sau khi bán cậu Vàng không bao lâu, lão gửi mảnh vườn và tiền để lo ma chay của mình cho ông giáo. Lão tìm đến cái chết. Cái chết của lão thật đau đớn và kinh hoàng. “Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra. Khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, giật nẩy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết.” Lão chết như để trả nợ với cậu Vàng, vì lão đã nỡ nhẫn tâm lừa nó. Lão không chọn cho mình một cái chết nhẹ nhàng hay không đau đớn, vật vã mà ngược lại. Dường như lão muốn được cậu Vàng tha thứ. Bởi với lão, cậu Vàng như một đứa con, một người bạn tri kỷ, một kỷ niệm mà anh con trai để lại. Khi vừa bán chó xong, lão sang ngay nhà ông giáo và nói “Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ !”. Câu nói rất tỉnh táo, không hề có ý gì thương xót hay hối hận mà ngược lại, nó như có ý khoe khoang một việc gì đó. Vậy mà, chỉ sau đó một khoảnh khắc, Nam Cao đã tả ngay cho ta thấy “Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt ừng ậng nước”. Và chỉ chờ một giọt nước, một tác động nhỏ là mọi cảm xúc, mọi kìm nén sẽ vỡ òa ra. “Mặt lão đột nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc …” , chỉ sau một câu hỏi của ông giáo. Và sau khi bán chó đi, tâm hồn lão dường như trống rỗng. Lão chết như để trả lời cho câu trách móc của con chó mà lão tưởng tượng ra.

Nhưng tất cả không chỉ có vậy, lão chết vì tình thương mà lão dành cho con trai quá lớn lao, không gì có thể thay thể được. Và lão chết cũng là để cho xã hội đương thời lúc đó thấy được cách họ đã dồn ép những người nông dân lao động nghèo đến đói cùng đói cực như thế nào. Anh con trai lão yêu một cô gái và muốn cưới làm vợ, nhưng nhà giá lại thách cao quá, lão không đủ tiền để trả. Vậy là anh đòi bán mảnh vườn mà mẹ anh đã “thắt lưng buộc bụng, dè sẻn mãi” mới mua được, nhưng lão không đồng ý. Lão hết lời khuyên ngăn, cuối cùng thì anh con trai cũng ưng thuận nghe theo. Bởi quá nghèo khổ, anh con trai quyết tâm đi làm ở đồn điền cao su mong thoát khỏi cuộc sông cùng cực, tủi nhục lúc bấy giờ. Lão ở nhà cùng với cậu Vàng. Với tình yêu bao la dành cho con trai, lão tự làm thuê để kiếm ăn qua ngày, còn tiền hoa lợi của mảnh vườn thì để ra, gom góp cho anh con trai để anh có tiền cưới vợ, hoặc có vốn làm ăn. Nhưng thật là, người tính không bằng trời tính. “Ấy thế mà bây giờ hết nhẵn, ông giáo ạ ! Tôi chỉ ốm có một trận đấy thôi. Một trận đúng hai tháng, mười tám ngày, ông giáo ạ !” Bao nhiêu tiền của tích góp bấy lâu của ông đội nón ra đi theo tiền thuốc men, tiền ăn uống. Lão đau lòng, xót ruột lắm. Lão lại lo cho anh con trai của lão, lão sợ làm gánh nặng cho con mình. “Tôi bòn vườn của nó bao nhiêu, tiêu hết cả. Nó vợ con chưa có. Ngộ nó không lấy gì lo được, lại bán vườn thì sao ? …” Lão luôn đặt con trai ở vị trí trên cùng, quan trọng nhất, luôn tìm mọi cách để tốt cho con mà không quan tâm, không suy nghĩ gì cho mình hết. Lão trăn trở, suy nghĩ và lão quyết định. Lão gửi nhờ ông giáo trông hộ mảnh vườn, bao giờ con trai lão về thì giao lại cho nó, lão còn hai mươi lăm đồng bạc với năm đồng bán chó nữa là tròn ba mươi đồng, lão vét sạch, gửi ông giáo để phòng lo ma chay cho mình không lại phiền đến bà con hàng xóm. Từ đó “Luôn mấy hôm, tôi thấy lão Hạc chỉ ăn khoai. Rồi khoai cũng hết. Bắt đầu từ đấy, lão chế tạo được món gì, ăn món nấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy, hay bữa trai, bữa ốc.” Lão sống như thế nào cũng được, chỉ cần lão không làm phiền đến ai, không làm gánh nặng cho con trai mình là lão vui rồi. Tấm lòng của người cha là vậy đó, tất cả những gì tốt đẹp nhất đều dành hết cho con cái của mình. Tới cùng cực, lão không cầm cự nổi nữa, lão tìm đến cái chết như để giải thoát cho mình, giải thoát cho anh con trai và cũng là giải thoát cho cái xã hội nghèo nàn đương thời mà lão đang sống. Lão tính toán tất cả, làm tất cả mọi việc chỉ để cho con trai lão có cuộc sông tốt hơn.

Gấp trang sách lại ta thấy Lão Hạc là một người nông dân lao động nghèo khổ gần bùn nhưng lại chẳng hôi tanh mùi bùn, mà ngược lại, lão lại là một người cha hết mực, hết lòng vì con cái. Là một người nhân hậu, thương yêu loài vật, đó là cậu Vàng. Cái chết của lão chính là tiếng chuông cảnh tỉnh, đánh thức những ai đang lầm đường, lạc lối, không được vì cái ăn, cai hư danh trước mắt ,à bán đi linh hồn, nhân cách, phẩm giá của mình.

Suy nghĩ của em về cái chết của Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao – Bài làm 4

Văn học hiện thực phê phán là dòng văn học với những cảnh đời trớ trêu, cay đắng, bất hạnh. Văn học về những con người bị áo cơm ghì sát đất, phải sông tha hóa, sống kiếp sông mòn, của những cảnh đời bị đẩy vào bước đường cùng không lối thoát,… Nước mắt và cái chết có thể coi là những mô tiếp quen thuộc của văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945. Mô tip ấy ám ảnh nhiều trong sáng tác của nhà văn Nam Cao: Chí phèo chết trong vũng máu của chính mình ngay trong khi khát vọng trở về với cuộc đời bị dập tắt; Lang Rận, Mụ Lợi tự tử trong sự ghẻ lạnh, đàm tiếu của người làng; Bà cái Tí chết vì một bữa no duy nhất của cuộc đời,… Có lẽ trong những cái chết ấy thì khó quên nhất chính là cái chết của lão Hạc – một lão nông nghèo khổ, bất hạnh trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao.

Ta hãy đọc lại những dòng văn Nam Cao tả lại cái chết của lão Hạc: “Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội. Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy”. Những dòng văn này trước hết làm tôi giật mình về một cái chết thật dữ dội và kinh hoàng. Đây không phải là một cái chết bình thường. Đó là cái chết của người do bị trúng độc bả chó. Bất giác tôi có cảm tưởng như không phải cái chết của một người bình thường mà là cái chết như của một con chó. Lão Hạc trong cái chết của mình vô cùng đau đớn, vô cùng vật vã, cùng cực về thể xác. Cả đời đã khổ, đến khi nhắm mát xuôi tay, lão đâu có hề được bình yên về với đất mẹ. Cái chết của lão Hạc thật bất ngờ – bất ngờ với tất cả, cả Binh Tư và người láng giềng thân thiết là ông giáo; cả mọi người trong làng. Sự bất ngờ của cái chết càng làm cho câu chuyện thêm căng thẳng, thêm xúc động. Mâu thuẫn bế tắc được đẩy lên đến đỉnh điểm và kết thúc một cách bi đát và tất yếu. Lão Hạc không thể tìm con đường nào khác để tiếp tục sống mà không ăn vào tiền của con, hoặc bán mảnh vườn. Lão đành chọn cái chết, đành tự chấp nhận đau khổ để nuôi hi vọng cho người con trai. Với một tính cách như lão Hạc thì cái chết là một tất yếu, cách chết mà lão chọn cũng là một tất yếu. Người đọc bao thế hệ trước cái chết của lão Hạc đều xúc động nghẹn ngào khi phát hiện ra những ý nghĩa sâu sắc ẩn sau cái chết đầy đau đớn về thể xác kia của lão. Lão không chọn cách chết nào khác mà chết như cách chết của một con chó ăn phải bả, bởi với lão đến tận lúc chết, ám ảnh về cậu Vàng, về việc mình đã trót lừa một con chó vẫn day dứt lương tâm lão. Lão đã chọn một cách giải thoát đáng sợ nhưng lại như một cách để tạ lỗi cùng cậu Vàng. Lão Hạc yêu thương con chó như con trai nhưng lại nỡ lừa bán nó để cho thằng Mục giết thịt, thì lão cũng phải tự trừng phạt mình, tự chịu hình phạt như một con chó chết vì ăn phải bả. Lão Hạc chết trong đau đớn, vật vã ghê gớm về thể xác nhưng chắc chắn lão lại thanh thản về tâm hồn vì đã hoàn thành nốt công việc cuối cùng với đứa con trai vẫn “bặt vô âm tín” với hàng xóm láng giềng về tang ma của mình. Lão chết để giữ phần ấm cho con, để giữ lại hi vọng cho người con trai duy nhất đang ở nơi xa của mình. Cái chết của lão là biểu hiện cao nhất của tình phụ tử thiêng liêng, của đức hi sinh cao cả. Cái chết của lão Hạc một mặt góp phần bộc lộ tính cách và số phận của lão Hạc, cũng là một điển hình sắc nét của số phận và tính cách của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám: nghèo khổ, bế tắc, nhưng giàu lòng yêu thương và đức hi sinh cao cả, mặt khác, cái chết của lão Hạc cũng có ý nghĩa tố cáo hiện thực xã hội thực dân nửa phong kiến đã đẩy những con người lương thiện vào bước đường cùng, phải chấp nhận cái chết như cách duy nhất kết thúc cuộc đời nhiều đau khổ. Cái chết của lão cũng giúp những người xung quanh lảo hiểu con người lão hơn, quý trọng và thương tiếc lão hơn.

Kết thúc câu chuyện bằng cái chết của nhân vật chính, Nam Cao đã tôn trọng cái lô gích của sự thật cuộc đời, đồng thời làm tăng sức ám ảnh, hấp dẫn và khiến người đọc cảm động hơn. Cái chết của lão Hạc tuy mang đậm màu sắc bi thảm nhưng nó cũng khiến người đọc ấm lòng hơn bởi nó mang lại cho họ niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người trước hoàn cảnh nghiệt ngã của cuộc đời. Đó cũng chính là giá trị nhân văn sâu sắc mà nhà văn gửi gắm trong thiên truyện ngắn này.

Suy nghĩ của em về cái chết của Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao – Bài làm 5

Sau khi đọc xong những tác phẩm của Nam Cao, người đọc dường như vẫn cảm thấy xót xa và day dứt khôn nguôi trước số phận của những con người khốn khổ như bà cái Tý trong Một bữa no, anh Đĩ Chuột trong Nghèo, anh Phúc trong Điếu văn…Song có lẽ ám ảnh hơn cả là cái chết dữ dội của Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.

Mặc dù gần 7 thập kỷ đã trôi qua, nhưng cái chết ấy vẫn đủ sức làm quặn thắt bao tấm lòng người đọc. Vì sao vậy? Phải chăng vì Nam Cao tuy chưa dắt Lão Hạc vượt qua thảm cảnh bi đát của đời mình nhưng ông đã để ở đấy trọn vẹn một tấm lòng. Chính vì vậy mà ông để cho nhân vật của mình chọn một cái chết khác thường khi xét cả ba phương diện: nguyên nhân sâu xa của cái chết, phương cách chết và ý nghĩa của cái chết.

Thứ nhất là nguyên nhân cái chết.

Một câu chuyện cười kể rằng: Có lão phu nọ vào rừng kiếm củi, trời nắng to, lão mệt mỏi và kiệt sức chẳng đủ sức để đỡ bó củi lên vai lão, lão buồn bã nói:

– Khổ thế này thì thà chết còn hơn.

Vừa dứt lời thì thần chết hiện lên hỏi:

– Ông lão! Ông vừa nói gì?

Ông lão hốt hoảng và ấp úng trả lời:

– Không! tôi chẳng nói gì cả. Tôi chỉ nói: giá như có ai đỡ bó củi lên vai thì hay biết mấy.

Câu chuyện thật đơn giản, ngắn ngủi và kết thúc bằng một tiếng cười bật lên từ phía người đọc. Nhưng có lẽ cái thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc thì chẳng giản đơn chút nào, đó là vấn đề tình yêu cuộc sống. Con người dường như càng già thì càng quý sự sống, hay nói cách khác là khi cận kề bên cái chết thì bản năng sinh tồn của con người sẽ trỗi dậy mãnh liệt và yêu sự sống hơn bao giờ hết.

Vậy thì tại sao lão Hạc lại tìm đến cái chết?

“Sau trận ốm, lão yếu người đi ghê lắm. Những công việc nặng không làm được nữa. Làng mất vè sợi, nghề vải đành phải bỏ. Đàn bà rỗi rãi nhiều. Còn tí việc nhẹ nào họ tranh nhau làm mất cả. Lão Hạc không có việc. Rồi lại bão, hoa màu bị phá sạch sành sanh. Từ ngày bão đến nay, vườn lão chưa có một tý gì để bán. Gạo thì cứ kém mãi đi. Một lão với một con chó, mỗi ngày 3 hào gạo, mà gia sự vẫn còn đói deo đói dắt…”

Lão quyết định bán “Cậu Vàng”. Bán đi người bạn thân thiết nhất, bán đi kỷ vật cuối cùng của con trai lão- lão đau đớn, dằn vặt và lương tâm lão dày vò khôn nguôi.

Rồi lão mang 25 đồng bạc lão dành dụm được cộng với 5 đồng bán chó, với mảnh vườn 3 sào sang gửi ông giáo. Thế rồi từ hôm đó: “Tôi thấy lão Hạc chỉ toàn ăn khoai. Rồi thì khoai cũng hết. Bắt đầu từ đấy, lão chế tạo được món gì ăn món nấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì lão ăn rau má với thỉnh thoảng một vài củ ráy hay bữa trai bữa ốc. Tôi nói chuyện lão với vợ tôi. Thị gạt phắt đi.

– Cho lão chết! Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ, lão làm lão khổ, chứ ai làm lão khổ”.

Vâng! Có lẽ lão làm lão khổ thật. Bởi vì nếu lão là người cha tầm thường, à không! phải nói là người cha bình thường chứ, thì lão sẽ chưa chết, thậm chí sẽ còn sống lâu hơn nữa là đằng khác. 30 đồng bạc cộng với mảnh vườn 3 sào, sẽ là một khoản kha khá lão có thể sống được. Nhưng lão đã không làm như thế. Mảnh vườn là tài sản duy nhất vợ lão hồi còn sống phải thắt lưng buộc bụng mới tậu được. Nó là tài sản duy nhất vợ chồng lão dành cho con. Bởi vậy mảnh vườn ấy gắn với danh dự, bổn phận của kẻ làm chồng, làm cha. Còn món tiền 30 đồng bạc ấy sẽ được dùng phòng khi lão chết có tiền ma chay. Lòng tự trọng không cho phép lão làm phiền đến mọi người. Cho nên món tiền ấy mang ý nghĩa danh dự của kẻ làm người, lão không thể tiêu vào đó. Cuối cùng lão chọn cái chết để tự giải thoát.

Vậy, từ diễn biến trên ta thấy nguyên nhân cái chết của lão Hạc là do tình cảnh đói khổ, túng quẫn đã đẩy lão đến bước đường cùng: Lão phải chết, đó cũng là số phận cơ cực đáng thương của những người nông dân nghèo sống trong thời kỳ đen tối trước cách mạng tháng Tám.

Song nguyên nhân sâu xa của cái chết, không chỉ là do tình cảnh đói khổ, túng quẫn mà là do xuất phát từ lòng thương con âm thầm, sâu nặng xuất phát từ đức hy sinh cao cả của người cha. Một người cha dám đánh đổi cả sự sống của mình để dành dụm số tiền ít ỏi cho tương lai của con.

Thì ra, ẩn đằng sau vẻ già nua, khắc khổ tội nghiệp ấy là cả một trái tim lớn lao nồng hậu, âm thầm nhưng tha thiết, bền bỉ luôn cháy lên ngọn lửa của tình phụ tử thiêng liêng. Thì ra đức hy sinh không chỉ là “độc quyền” của người phụ nữ mà nhiều khi, sự hy sinh ấy ở nam giới, sâu sắc to lớn hơn nhiều.

Thì ra, đôi khi ở những con người bình thường lại chứa đựng những phẩm chất phi thường. Chao ôi! Nếu có “Hậu lão Hạc” thì anh con trai lão sẽ trở về, sẽ lấy vợ, sinh con, lão sẽ được sống những ngày cuối đời thật thanh thản hạnh phúc. Lão sẽ được phụng dưỡng chăm sóc, lòng hiếu thảo của con cháu sẽ sưởi ấm đời lão, sẽ xoá nhoà tất cả những vết thương đau.

Nhưng! Ước mơ vẫn chỉ là ước mơ. Hễ ai đọc Lão Hạc thì chẳng dễ gì quên được cái chết kinh hoàng của Lão: “Lão vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nẩy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến 2 tiếng đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội. Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy. Chỉ có tôi và Binh Tư hiểu”.

Không! Không chỉ có ông giáo và Binh Tư hiểu mà tất cả mọi người đều hiểu, đều đau đớn trước cái chết kinh hoàng ấy. Phương cách chết của lão là chết bằng bả chó, chết do trúng độc bả chó.

Chúng ta vẫn tự hỏi ngàn lần rằng vì sao lão Hạc không chọn một cái chết êm dịu hơn, nhẹ nhàng hơn, lặng lẽ hơn.

Lý giải điều này, sách giáo viên Ngữ văn 8(Tập 1- trang 39, xuất bản tháng 5/2004) viết rằng:

“Ông lão nhân hậu, trung thực này chưa từng lừa một ai, lần đầu tiên trong đời lão phải lừa là lừa “cậu vàng” “người bạn thân thiết của mình. Lão đã lừa để “cậu vàng” phải chết thì giờ đây lão cũng phải chết theo kiểu một con chó bị lừa”.

Nếu hiểu như vậy, thì chỉ là lớp nghĩa đầu. Bởi vì lão chết bằng bả chó là xuất phát từ dụng ý nghệ thuật của tác giả, khẳng định một điều rằng: Ông không muốn trốn tránh sự thật của cuộc sống, cũng không muốn tìm lối giải thoát có tính chất chủ quan, dễ dãi.

Thời bấy giờ nhà văn Nguyễn Công Hoan nói rằng: “Tự lực văn đoàn nhìn khói mái nhà của người nông dân, còn tôi, tôi nhìn vào dạ dày của họ”. Vũ Trọng Phụng thì gọi việc lảng tránh những vấn đề cuộc sống là chạy xa sự thực bằng những từ điêu trá của văn chương “… như vậy là giả dối là tự lừa mình và di họa cho đời”.

Còn Nam Cao lặng lẽ khẳng định “nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối nghệ thuật là những tiếng đau khổ toát ra từ những kiếp lầm than”. Và bằng cái chết của lão Hạc, ta thấy Nam Cao đã chứng minh được điều đó.

Nam Cao để cho lão Hạc chết bằng bả chó tức là ông đã tôn trọng cái logic của sự thật cuộc đời. Vì chỉ có cái chết dữ dội ấy mới đủ sức tố cáo xã hội đương thời lúc ấy đã đẩy con người bất hạnh đến cùng đường tuyệt lộ, khiến họ phải chết một cách thê thảm đớn đau.

Ngoài ra Nam Cao muốn đề cập vấn đề nhân phẩm: dù phải trả giá đắt đến mấy, con người cũng phải giữ cho được phẩm chất của mình. Và lão Hạc đã làm được điều đó. Dù túng quẫn nhưng lão không theo gót Binh Tư… Nhân tính đã chiến thắng bản năng, lòng tự trọng vẫn đủ sức giữ chân con người trước bờ vực của sự tha hoá. Lão thà chết chứ không làm điều xằng bậy. Đó là nét đẹp trong quan điểm đạo đức của nhân dân ta “chết vinh còn hơn sống nhục”.

Lão quằn qoại nằm xuống nhưng nhân cách của lão còn mãi trong lòng độc giả. Đó cũng chính là ý nghĩa của cái chết Lão Hạc.

Cái chết ấy khép lại câu chuyện và có rất nhiều người cho rằng, cái chết này ẩn chứa đâu đó hình bóng bi kịch: Đó là bi kịch của sự đói nghèo, bi kịch của tình phụ tử, bi kịch của phẩm giá làm người.

Chính cái chết này góp phần làm rõ hơn quan điểm có phần cực đoan của Nam Cao: “Hạnh phúc là một tấm chăn hẹp người này kéo thì người kia hở”.

Nhưng xét một cách toàn diện thì cái chết ấy chưa hẳn là bi quan vì nó nói lên được niềm tin sâu sắc vào phẩm chất tốt đẹp ở người nông dân của tác giả. “Không! cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn. Mà nếu đáng buồn thì đáng buồn theo một nghĩa khác”. Lão Hạc là một người nông dân chân lấm tay bùn chưa từng đọc sách thánh hiền, chưa từng được tham dự một lớp học nào về cách làm người, về tình phụ tử song cả cuộc đời lam lũ, lương thiện và trong sáng thanh cao của lão, cả cái chết kinh hoàng của lão- là minh chứng đầy đủ cảm động về nhân cách làm người, về tình cha con thiêng liêng sâu nặng.

Suy nghĩ của em về cái chết của Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao – Bài làm 6

“Lão Hạc” của Nam Cao ra mắt bạn đọc năm 1943. Câu chuyện về số phận thê thảm của người nông dân Việt Nam trong bối cảnh đe doạ của nạn đói và cuộc sống cùng túng đã để lại xúc động sâu xa trong lòng độc giả. Đặc biệt, tác giả đã diễn tả tập trung vào tâm trạng nhân vật chính – lão Hạc – xoay quanh việc bán chó đã giúp ta hiểu thêm tấm lòng của một người cha đáng thương, một con người có nhân cách đáng quý và một sự thực phũ phàng phủ chụp lên những cuộc đời lương thiện.

Con chó – cậu Vàng như cách gọi của lão là hình ảnh kỷ niệm duy nhất của đứa con. Hơn thế, cậu Vàng còn là nguồn an ủi của một ông lão cô đơn. Lão cho cậu ăn trong bát, chia xẻ thức ăn, chăm sóc, trò chuyện với cậu như với một con người. Bởi thế, cái ý định “có lẽ tôi bán con chó đấy” của lão bao lần chần chừ không thực hiện được. Nhưng rồi, cuối cùng cậu Vàng cũng đã được bán đi với giá năm đồng bạc. Cậu Vàng bị bán đi! Có lẽ đó là quyết định khó khăn nhất đời của lão. Năm đồng bạc Đông Dương kể ra là một món tiền to, nhất là giữa buổi đói deo đói dắt. Nhưng lão bán cậu không phải vì tiền, bởi “gạo thì cứ kém mãi đi” mà một ngày lo “ba hào gạo” thì lão không đủ sức. Cậu Vàng trở thành gánh nặng, nhưng bán cậu rồi lão lại đau khổ dày vò chính mình trong tâm trạng nặng trĩu.

Khoảnh khắc “lão cố làm ra vui vẻ” cũng không giấu được khuôn mặt “cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước”. Nỗi đau đớn cố kìm nén của lão Hạc như cắt nghĩa cho việc làm bất đắc dĩ, khiến ông giáo là người được báo tin cũng không tránh khỏi cảm giác ái ngại cho lão. Ông giáo hiểu được tâm trạng của một con người phải bán đi con vật bầu bạn trung thành của mình. Cảm giác ân hận theo đuổi dày vò lão tạo nên đột biến trên gương mặt: “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”. Những suy nghĩ của một ông lão suốt đời sống lương thiện có thể làm người đọc phải chảy nước mắt theo: “Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó”. Bản chất của một con người lương thiện, tính cách của một người nông dân nghèo khổ mà nhân hậu, tình nghĩa, trung thực và giàu lòng vị tha được bộc lộ đầy đủ trong đoạn văn đầy nước mắt này. Nhưng không chỉ có vậy, lão Hạc còn trải qua những cảm giác chua chát tủi cực của một kiếp người, ý thức về thân phận của một ông lão nghèo khổ, cô đơn cũng từ liên tưởng giữa kiếp người – kiếp chó: “Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút… kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn”. Suy cho cùng, việc bán chó cũng xuất phát từ tấm lòng của một người cha thương con và luôn lo lắng cho hạnh phúc, tương lai của con. Tấm lòng ấy đáng được trân trọng! Hiện thực thật nghiệt ngã đã dứt đứa con ra khỏi vòng tay của lão, cái đói cái nghèo lại tiếp tục cướp đi của lão người bạn cậu Vàng. Bản thân lão như bị dứt đi từng mảng sự sống sau những biến cố, dù cho cố “cười gượng” một cách khó khăn nhưng lão dường như đã nhìn thấy trước cái chết của chính mình. Những lời gửi gắm và món tiền trao cho ông giáo giữ hộ sau lúc bán chó có ngờ đâu cũng là những lời trăng trối. Kết cục số phận của lão Hạc là cái chết được báo trước nhưng vẫn khiến mọi người bất ngờ, thương cảm. Quyết định dữ dội tìm đến cái chết bằng bả chó là giải pháp duy nhất đối với lão Hạc, để lão đứng vững trên bờ lương thiện trước vực sâu tha hoá. Kết thúc bi kịch cũng là thật sự chấm dứt những dằn vặt riêng tư của lão Hạc, nhưng để lại bao suy ngẫm về số phận những con người nghèo khổ lương thiện trong xã hội cũ.

Xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm, nhân vật tôi là người bạn, là chỗ dựa tinh thần của Lão Hạc. Những suy nghĩ của nhân vật này giúp người đọc hiểu rõ hơn về con người Lão Hạc. Nhân vật Lão Hạc đẹp, cao quý thực sự thông qua nhân vật tôi.

Cái hay của tác phẩm này chính là ở chỗ tác giả cố tình đánh lừa để ngay cả một người thân thiết, gần gũi với Lão Hạc như ông giáo vẫn có lúc hiểu lầm về lão. Sự thật nhân vật tôi cố hiểu, cố dõi theo mới hiểu hết con người Lão Hạc. Khi nghe Binh Tư cho biết Lão Hạc xin bã chó, ông giáo ngỡ ngàng, chột dạ: “Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có cái ăn ư? Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày lại thêm đáng buồn”. Chi tiết này đẩy tình huống truyện lên đến đỉnh điểm. Nó đánh lừa chuyển ý nghĩ tốt đẹp của ông giáo và người đọc sang một hướng khác: Một con người giàu lòng tự trọng, nhân hậu như Lão Hạc cuối cùng cũng bị cái ăn làm cho tha hoá, biến chất sao? Nếu Lão Hạc như thế thì niềm tin về cuộc đời về ông giáo sẽ sụp đổ, vỡ tan như chồng ly thủy tinh vụn nát.

Nhưng khi chứng kiến cái chết đau đớn dữ dội vì ăn bã chó của Lão Hạc, ông giáo mới vỡ oà ra: “Không! Cuộc đời chưa hẳn đáng buồn hay vẫn đáng buồn theo một nghĩa khác”. Đến đây truyện đi đến hồi mở nút, để cho tâm tư chất chứa của ông giáo tuôn trào theo dòng mạch suy nghĩ chân thành, sâu sắc về Lão Hạc và người nông dân… “Chao ôi! Đối với những người xung quanh ta, nếu không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dỡ, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa bỉ ổi … toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương”.

Có lẽ đây là triết lý sống xen lẫn cảm xúc xót xa của Nam Cao. ở đời cần phải có một trái tim biết rung động, chia xẻ, biết yêu thương, bao bọc người khác, cần phải nhìn những người xung quanh mình một cách đầy đủ, phải biết nhìn bằng đôi mắt của tình thương.

Với Nam Cao con người chỉ xứng đáng với danh hiệu con người khi biết đồng cảm với những người xung quanh, biết phát hiện, trân trọng, nâng niu những điều đáng quý, đáng thương. Muốn làm được điều này con người cần biết tự đặt mình vào cảnh ngộ cụ thể của người khác để hiểu đúng, thông cảm thực sự cho họ.

Chuyện được kể ở ngôi thứ nhất, nhân vật tôi trực tiếp kể lại toàn bộ câu chuyện cho nên ta có cảm giác đây là câu chuyện thật ngoài đời đang ùa vào trang sách. Thông qua nhân vật tôi, Nam Cao đã thể hiện hết Con người bên trong của mình.

Đau đớn, xót xa nhưng không bi lụy mà vẫn tin ở con người. Nam Cao chưa bao giờ khóc vì khốn khó, túng quẫn của bản thân nhưng lại khóc cho tình người, tình đời. Ta khó phân biệt được đâu là giọt nước mắt của Lão Hạc, đâu là giọt nước mắt của ông giáo: Khi rân rân, khi ầng ực nước, khi khóc thầm, khi vỡ oà nức nỡ. Thậm chí nước mắt còn ẩn chứa trong cả nụ cười: Cười đưa đà, cười nhạt, cười và ho sòng sọc, cười như mếu … Việc tác giả hoá thân vào nhân vật tôi làm cho cách kể linh hoạt, lời kể chuyển dịch trong mọi góc không gian, thời gian, kết hợp giữa kể và tả, hồi tưởng với bộc lộ cảm xúc trữ tình và triết lý sâu sắc…

Truyện ngắn Lão Hạc là tác phẩm của mọi thời, bi kịch của đời thường đã trở thành bi kịch vĩnh cửa. Con người với những gì cao cả, thấp hèn đều có trong tác phẩm. Thông qua nhân vật tôi tác giả đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh: Hãy cứu lấy con người, hãy bảo vệ nhân phẩm con người trong con lũ cuộc đời sẵn sàng xoá bỏ mạng sống và đạo đức. Cho nên chúng ta nên đặt nhân vật tôi ở một vị trí tương xứng hơn khi tìm hiểu tác phẩm.

Vì Sao Chúa Chết Đau Thương?

Bài 26

Ê sai 53:6. Luca 23:33-46.

Hôm nay là Good Friday. Chúng ta họp nhau đây để thờ phượng Đức Chúa Giê su và kỷ niệm ngày Lễ Thương khó của Ngài. Cách đây hơn 2000 năm, Ngài đã chịu chết khổ hình trên thập tự giá. Vào thời đó, Đế quốc La mã cai trị dân Y sơ ra ên. Cho nên các người Pha ri si và các thầy thông giáo muốn giết Đức Chúa Giê su, họ phải xin lịnh của quan Tổng Đốc Phi lát. Sau khi xét xử Chúa Giê su, Phi lát tuyên bố rằng: “Ta không tìm thấy người có tội lỗi chi.” (Giăng 19:4). Nhưng bọn họ la lên rằng: “Hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự, hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự!” (Giăng 19:6).

Phi lát “khiến đánh đòn Đức Chúa Giê su, và giao Ngài ra để đóng đinh trên cây thập tự.” (Mathiơ 27:26). Khi bọn lính La mã dùng dây da có những móc sắt nhỏ làm roi đánh Chúa Giê su, cho nên những móc sắt nhỏ đó xé thịt xé da làm cho máu tươm ra nơi những lằn roi trên thân thể của Ngài.

Đánh nhiều rồi, họ đan cái mão gai nhọn, đội cho Ngài. “Họ bèn nhổ trên mặt Ngài, đấm Ngài, lại có kẻ vả Ngài.” (Mathio 26:67), và nhạo báng Ngài rằng: “Lạy Vua dân Giu đa.” Rôi họ bắt Ngài đi đến đồi Gô gô tha để đóng đinh Ngài.

Đi đến một nơi gọi chỗ cái Sọ, bọn lính đóng đinh hai tay và đóng đinh hai chân của Đức Chúa Giê su vào cây thập tự giá, rồi chúng dựng cây thập giá đứng lên, cây thập tự ngã nghiêng trước khi đứng thẳng, chúng ta thử tưởng tượng xem Chúa Giê su lúc đó bị đau đớn đến mức độ nào? Khi cậy thập tự được dựng lên xong, thân hình Đức Chúa Giê su bị treo chơ vơ trên đỉnh đồi Gô gô tha.

Thời đó, bị đóng đinh trên thập giá là một hình phạt chỉ để dành cho hạng người làm loạn, lừa thầy phản bạn, cướp của giết người, cho nên mọi người đi qua lại khinh bỉ nói những lời gièm chê nguyền rủa. Hình phạt nầy là khổ hình vì người bị đóng đinh muốn chết cũng không chết được, xoay qua đau đớn, xoay lại đớn đau, nhưng không chết, hơi thở mệt nhọc, đứt khoảng nặng nề, phải đợi cho những vết thương máu chảy ra thật nhiều rồi mới chết.

Khi đã bị quân lính đóng đinh vào thập giá, dù đau đớn tột cùng, Chúa Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ.”

Tiếng “Cha” nói lên tình Cha-Con thắm thiết. Đức Chúa Giê-su là Đấng hoàn toàn thánh thiện, cho đến nỗi Đức Chúa Cha đã nói về Ngài rằng: “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.” (Ma thi ơ 3:17). Thế mà bây giờ kẻ thì đánh đập, kẻ thì mắng nhiếc, kẻ thì nhục mạ, kẻ thì nhổ vào mặt Ngài, và rồi mấy tên lính đóng những cây đinh to lớn treo Ngài lên thập tự giá khổ hình, đau thương.

Nhìn cảnh đau thương nầy, chúng ta nhớ lại bà Gióp đã nói với Ông trong cảnh khổ rằng: “Ủa? Ông hãy còn bền đỗ trong sự hoàn toàn mình sao? Hãy phỉ báng Đức Chúa Trời, và chết đi!” (Gióp 2:9). Ý bà Gióp nói rằng chịu cảnh nầy mà Ông còn thờ phượng Đức Chúa Trời sao? Hãy nói xấu Ngài, rồi đừng theo Ngài nữa! Và “chết đi!”

Thưa Quý vị, làm con dân của Chúa, khi gặp phải hoàn cảnh khó khăn, Quý vị vẫn bền đổ theo Chúa, hay Quý trách móc Chúa, rồi không thờ phượng Ngài nữa? Xin nhớ Bà Gióp nói: “phỉ báng Ngài, từ bỏ Ngài sau đó được gì? Chỉ là chết đi mà thôi!”

Đức Chúa Giê su cho chúng ta tấm gương là dù cảnh đời quá đau thương đi nữa Ngài vẫn yêu mến Đức Chúa Trời. Vì Ngài biết là dù hoàn cảnh có đổi thay, nhưng Đức Chúa Trời không hề thay đổi. Đức Chúa Trời vẫn nắm quyền tể trị và Ngài vẫn giữ lời hứa rằng: “Ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi.” (Gieremi 31:3). Xin nhớ dù trong hoàn cảnh nào, Chúa vẫn yêu quý vị!

“Lạy Cha, xin tha cho họ.” “Họ” là ai đây? “Họ” là những người Pha ri si, những thầy tế lễ, là Phi Lát, là những kẻ hô to: “đóng đinh hắn trên thập tự giá,” những kẻ đánh đập, nhục mạ Ngài, chưỡi bới Ngài và những kẻ cầm búa, cầm đinh đóng vào hai tay, hai chân Ngài. Nghĩa là những kẻ ghét Ngài, giết Ngài cách đau thương.

Chúng ta nên theo gương Chúa tha thứ cho những người không tốt với chúng ta và cầu nguyện cho họ. Như vậy mới đẹp lòng Chúa.

Khi đóng đinh Đức Chúa Giê su trên thập giá, người ta cũng đóng đinh hai tên trộm cướp bên phải và bên trái của Ngài.

Một tên bị đóng đinh đau đớn quá không biết trách móc ai, nó quay lại mắc mỏ với Chúa Jêsus rằng: Ngươi là Đấng Christ thì “hãy tự cứu lấy mình đi rồi cứu chúng ta với.” (Luca 23:39). Nhưng tên kia nói với nó rằng: Tội chúng ta làm, xứng với hình chúng ta chịu. Ngươi chẳng sợ Đức Chúa Trời sao? (Luca 23:39). Còn người nầy không làm điều ác gì.” Và nó thưa cùng Đức Chúa Giê-su rằng: “Hỡi Jêsus, khi Ngài đến trong nước mình rồi, xin nhớ lấy tôi!” (Lu ca 23:42). Đức Chúa Giê su phán cùng người rằng: “Hôm nay ngươi sẽ được ở với Ta trong nơi Paradi.” (Lu ca 23:43).

Đây là lời phán của Đấng Cứu Thế. Ngài sẵn sàng tha tội và ban sự cứu rỗi cho bất cứ ai tin nhận Ngài. Thưa quý vị, ngoài Ngài ra, quý vị không thể tìm một Giáo Chủ nào có quyền nói với quý vị là sau khi qua đời linh hồn quý vị sẽ về đâu, vì chính các vị Giáo chủ cũng không biết linh hồn mình về đâu? Chỉ có Đức Chúa Giê su mới có thẩm quyền cứu qúy vị. Vì vậy mà Kinh Thánh nói về Ngài rằng: “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” (Công vụ 4:12). Hãy cầu xin với Đức Chúa Giê su, khi Quý vị qua đời Ngài sẽ dẫn đưa linh hồn Quý vị bình an vào nước Đức Chúa Trời.

Bọn lính đóng đinh Chúa Giê su vào khoảng 9 giờ sáng. Tại đó ánh nắng chói chang của vùng Trung Đông càng về trưa sức nóng trên đồi Gô gô tha càng thêm gay gắt. Những vết thương của Chúa Jêsus càng lúc máu ra càng nhiều. Ngài khát nước quá chừng, nhưng không có một chút thấm ướt môi. Ước chừng lúc 3 giờ chiều, biết mình sắp chết, Đức Chúa Giê su cầu nguyện rằng: “Hỡi Cha, con giao linh hồn lại trong tay Cha! Vừa nói xong thì Ngài tắt hơi.” (Luca 23:46).

Khi sống, Đức Chúa Giê-su đã dạy chúng ta nguyên tắc quý báu để sống. Đó là: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài.” Trước khi chết, Ngài dạy chúng ta nguyên tắc quý báu để chết. Nguyên tắc đó là “con giao linh hồn lại trong tay Cha!” Cha là Đấng Toàn năng gìn giữ linh hồn của chúng ta được an toàn trong vòng tay yêu thương phước hạnh của Ngài.

Bây giờ xin mời Quý vị nhìn lại cái chết của Đức Chúa Giê su. Đây không phải cái chết bình thường. Vì Ngài chịu chết để gánh thay hình phạt cho nhân loại tội lỗi. Mão gai làm cho máu quanh đầu Ngài tuông chảy, vì đầu óc chúng ta có toan tính những điều tội lỗi. Hai tay, hai chân Ngài bị đóng đinh, máu ra không ngớt vì hai bàn tay, chúng ta làm những công việc tội ác và hai bàn chân chúng ta đi con đuờng lầm lạc. Những lằn roi trên thân thể Ngài hằn sâu oằn oại vì thân thể chúng ta dự vào những nơi truy hoan bất khiết. Đức Chúa Giê su thật sự đã lãnh cái chết nhục nhã và đau thương. Tại sao vậy? Vì Đức Chúa Trời là Đấng Thánh khiết. Ngài không chịu được tội lỗi. Tội lỗi phải bị hình phạt dưới cơn thạnh nộ của Ngài. Vì vậy khi Đức Chúa Giê su gánh hình phạt cho tội nhơn, là Đức Chúa Giê su phải gánh cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Nghĩa là tại thập tự giá, “Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.” (Ê sai 53:6).

Xin quý vị suy nghĩ xem tội lỗi của hết thảy chúng ta gồm có những tội lỗi nào? Nhiều hay ít? Nặng hay nhẹ? Thế mà “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta.” (2 Corinhto 5:21). Cho nên, để chuộc tội cho chúng ta, Chúa Giêsu phải chịu trả giá bằng cái chết vô cùng nhục nhã và tột cùng đớn đau!

Tại sao Đức Chúa Giê su bằng lòng chịu hình phạt nhục nhã như vậy? Tại vì Ngài yêu thương tội nhơn. Vì yêu chúng ta, chẳng những Chúa Giê su bằng lòng, mà Ngài còn thỏa lòng. Như Kinh Thánh chép: “Người sẽ thấy kết quả của sự khốn khổ linh hồn mình, và lấy làm thỏa mãn.” (Esai 53:11). Và Đức Chúa Giê su “vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục.” (Hê bơ rơ 12:12).

Đức Chúa Giê su thỏa mãn, vui mừng vì nhìn thấy kết quả của sự khốn khổ linh hồn mình đem đến hằng tỉ người được cứu trong đó có quý vị và tôi. Ngài vui mừng. Quý vị có thấy chính mình ở trong sự vui mừng của Ngài không?

Vì Đức Chúa Giê su vốn là Đấng vô tội. Ngài đã bằng lòng hy sinh chịu chết để cứu nhân loại tội lỗi cách trọn vẹn xong rồi, cho nên ba ngày sau, Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ cõi chết sống lại. Ngài không phải là một Giáo Chủ chết luôn. Nhưng Ngài là Chúa Cứu Thế Hằng Sống của nhân loại. Trong Ngài con dân Chúa dù có qua đời thì sẽ được phước lớn lao là Ngài sẽ ban cho sự “sống lại nơi ngày sau rốt.” (Giăng 6:40).

Thưa Quý vị, nhân vô thập toàn, cuộc đời ai cũng có ít nhiều tội lỗi. Vì yêu chúng ta, Đức Chúa Giê su đã bằng lòng chết khổ hình gánh thay hình phạt cho chúng ta. Đức Chúa Trời bằng lòng làm cho tội tỗi của tất cả chúng ta chất trên Ngài. Bây giờ chúng tôi xin mời quý vị chấp nhận tình yêu của Chúa Giê su để tội lỗi được tha và linh hồn được cứu.

Đức Chúa Trời không đòi công đức gì của quý vị. Quý vị hãy thưa với Ngài rằng: “Lạy Đức Chúa Trời con có tội với Ngài. Nay con xin nhận Đức Chúa Giê su đã chết thay cho con, chịu hình phạt vì tội lỗi của con, Ngài là Cứu Chúa của con. Xin Chúa tha thứ tội cho con. Con cầu xin trong Danh Đức Chúa Giê su. A-men.

Cầu xin Đức Chúa Trời Tứ Ái ban phước và ban bình an cho quý vị.

Mục sư Trần Hữu Thành.