Tình trạng trẻ chậm biết nói ngày càng phổ biến hiện nay khiến không ít các bậc phụ huynh cảm thấy buồn lòng, lo lắng vì không biết liệu con yêu của mình có mắc phải chứng rối loạn về ngôn ngữ phát triển hay không. Thế nên, giải pháp đặt ra là cần nhanh chóng tìm ra nguyên do để hỗ trợ con mau chóng biết nói như bao đứa trẻ bình thường khác. Cha mẹ cũng nên hiểu rằng, việc trò chuyện với con, lắng nghe và nắm bắt tâm lý của con chính là một cách làm tích cực nhất giúp con nhanh biết nói hơn đó.
Tìm hiểu sự phát triển bình thường trong ngôn ngữ và lời nói của trẻ
Giai đoạn phát triển ngôn ngữ bình thường của trẻ được biểu hiện như sau:
Từ 3 – 6 tháng: Trẻ bắt đầu chăm chú nhìn vào người nói chuyện. Quay đầu về phía có tiếng động phát ra. Phân biệt được các tiếng động khác nhau phát ra từ các vị trí khác nhau. Nói được nguyên âm “a”, từ “ba”, “bà”.
Từ 6 – 9 tháng: Nói được 2 âm khác nhau như “ma ma”, “da da”.
Từ 9 – 12 tháng: Trẻ phát âm “ê”, “a” kéo dài thành một chuỗi âm thanh như người lớn nhưng không rõ từ. Tùy theo mỗi trẻ, nhưng khi được khoảng 11 tháng hay 1 tuổi có trẻ nói được khoảng 2 – 3 từ đơn khá rõ, có thể là: bố, bà.
Từ 12 – 15 tháng: Trẻ có thể phát âm như tiết tấu âm nhạc để giữ cho câu chuyện tiếp tục.
Từ 15 – 18 tháng: Sử dụng được 4 từ, thường là tên con vật kết hợp với cử chỉ, đưa tay vẫy, chỉ. Khi trẻ được 18 tháng tuổi trẻ bắt đầu nói và tự nối ghép được hai từ với nhau. Ở giai đoạn này, trẻ nói bắt đầu hình thành các trật tự câu. Trẻ biết chỉ được ít nhất là sáu bộ phận trên cơ thể, chỉ được một hai hình ảnh quen thuộc khi cho trẻ nhìn tranh như: hình bố, hình con cá hoặc hình con chó…
Từ 18 tháng đến 2 năm: Biết khoảng 25 từ, gọi tên người, chào hỏi, từ chối.
Từ 2 – 3 tuổi: Nói rất nhiều, biết từ 50 – 200 từ, tự nói chuyện khi chơi. Đến 3 tuổi trẻ tạo ra một cụm từ có đầy đủ thành phần chủ vị. Trẻ biết sử dụng các câu đơn giản, đặt câu hỏi đơn giản. Trẻ trả lời được các câu hỏi như: cái gì, ở đâu? Có/không?. Sau giai đoạn này, trẻ sẽ nói được và sẽ tạo đà cho trẻ phát triển được rất nhiều các câu phức tạp, hình thành được các câu chuyện dài với nội dung khá logic.
Từ 3 – 4 tuổi: Trẻ nói được các câu phức tạp trẻ bắt đầu sử dụng các ngôn ngữ ấy một cách khá tốt. Tự kiểm soát được cường độ giọng nói, xây dựng ngữ điệu như người lớn, thường hỏi cái gì, ở đâu, tại sao…
Mẹo phát hiện trẻ chậm nói qua những biểu hiện ban đầu
Trẻ dưới 1 tuổi:
Trẻ không có biểu hiện tập nói như: nói những từ ê, a, pa pa, ba ba, măm măm….Không thể tự làm những âm thanh bắt chiếc các tiếng kêu các con vật hoặc hiện tượng thiên nhiên như: tiếng sấm ù, tiếng gà gáy, tiếng con vịt cạc cạc, bò bò…
Không nhìn theo những hành động của người lớn hoặc chỉ tay cho trẻ xem trẻ coi như không nghe thấy, không hiểu tiếng nói.
Với trẻ 4 – 5 tháng tuổi đã biết quay lại khi ai đó gọi tên, nhưng nếu con chậm nói thì 1 tuổi gọi tên cũng không có phản ứng gì.
Trẻ từ dưới 2 tuổi:
Nếu trẻ bình thường từ 1 – 2 tuổi số lượng vốn từ tăng nhanh và trẻ hào hứng giao tiếp cũng như sử dụng từ ngữ. Nhưng nếu trẻ chậm nói sẽ có những biểu hiện sau đây:
Vốn từ ít, chỉ dùng được vài từ và đôi khi còn giao tiếp bằng những từ ngữ khó hiểu.
Chưa gọi được tên mọi người như: bà ơi, bố ơi, mẹ ơi…
Không hiểu những câu nói của người khác, đôi khi gọi còn không phản ứng hoặc gọi nhiều lần mới có phản ứng quay lại
Ít có những biểu hiện tương tác cũng như giao tiếp bình thường với những người xung quanh, còn hành động bộc phát và không chủ định
Trẻ từ dưới 3 tuổi:
Nếu như trẻ bình thường khi đến 3 tuổi trẻ có thể giao tiếp một cách bình thường và thành thạo cũng như có vốn từ kha khá khoảng 1000 từ thì đối với những trẻ chậm nói sẽ có những biểu hiện như sau:
Không nói được những câu đơn giản, chỉ dùng được từ đơn, vốn từ ít, không đa dạng, hay nói lắp.
Không hiểu nếu mọi người nói câu dài hoặc sử dụng những chuỗi hành động từ 2 trở lên.
Không biết dùng từ ngữ để miêu tả hành động cũng như trò chuyện với người khác.
Không biết làm theo những hiệu lệnh đơn giản hoặc hướng dẫn từ người lớn.
Cách khắc phục hiệu quả tình trạng trẻ chậm biết nói
Tuyệt đối không cho trẻ xem ti vi: Đây là một cách khắc phục trẻ chậm nói rất khó khăn trong thời điểm hiện nay. Nhưng để con bạn có thể nói nhanh hơn thì cha mẹ nên dành thời gian để sinh hoạt, ăn uống và giao tiếp cùng con trong mọi sinh hoạt thường ngày và kèm lời nói trong các hành động đó. Sử dụng những từ ngữ dễ hiểu, dùng câu đơn giản và nên cho trẻ tập nói lại những từ đó. Nên dùng các đồ vật khuyến khích trẻ gọi tên và giao tiếp khi chơi.
Cho trẻ giao lưu với bạn bè: Nên cho con đến các lớp học chậm nói để có sự tư vấn từ những người có chuyên môn, cho giao tiếp cùng với bạn bè. Nên chia sẻ với mọi người về tình trạng của con để có sự giúp đỡ tích cực.
Hãy đưa trẻ đi khám chuyên khoa tai mũi họng: Khi con bạn có biểu hiện chậm nói như không nghe được hoặc chậm tương tác với lời nói. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa tai, mũi, họng, để có kết luận sớm nhất. Nếu trẻ bị các dị tật về tai, họng, lưỡi nên chữa trị sớm để trẻ có thể giao tiếp như bình thường. Đây là một trong số những cách khắc phục trẻ chậm nói hiệu quả và chính xác nhất.
Nên dành thời gian dạy con tập nói: Là một cách khắc phục trẻ chậm nói hiệu quả và đơn giản, cha mẹ nên dành nhiều thời gian cũng như tâm huyết để dạy con tập nói bằng cách trò chuyện, chơi cùng với trẻ, phân tích chỉ bảo các sự vật hiện tượng để trẻ cảm thấy thích thú và muốn phát âm. Luôn khuyến khích trẻ tập trung vào mình và nói cho trẻ nghe, dạy trẻ phát âm.
Luôn có cái nhìn tích cực trong việc hỗ trợ con: Hãy dành thời gian, tâm huyết và tấm lòng của mình để giúp đỡ con. Không nên buồn chán hay suy nghĩ tiêu cực làm ảnh hưởng đến việc dạy con nói. Hai vợ chồng nên có sự trao đổi để nhìn lại cách dạy con tập nói và giúp đỡ lẫn nhau.