Tại sao phải học nhỉ? Một đứa bé cầm cuốn sách dày cộp tới hỏi ông nội. “Ông ơi, tại sao phải học ạ?”
“À…” ông nội mỉm cười rồi đáp. “Hồi bé, ta không được học nhiều như cháu, ta chỉ học hết phép cộng, trừ, nhân, chia rồi nghỉ để đi làm. Song chúng là điều ta đã áp dụng suốt bao năm qua…
Phép nhân dạy ta phải biết chọn lựa và nhân bản những hạt giống tốt đẹp, phép chia dạy ta phải biết chia nhỏ những vấn đề khó khăn để giải quyết, phép cộng dạy ta phải biết cộng tác để làm nên chuyện lớn, phép trừ nhắc nhở ta phải loại trừ những thứ không cần thiết để tập trung vào điều quan trọng nhất.
Nhân chia trước, cộng trừ sau, cứ thể mà làm, cháu sẽ trở thành nhà lãnh đạo vĩ đại.”
Đứa cháu tròn xoe mắt, có vẻ như nó đã biết tại sao phải học. “Tuyệt quá ông ạ, cháu sẽ học thêm cả phép khai căn, bình phương, tích phân v.v… nữa!”
Đã là con người, chúng ta làm gì cũng cần một lý do. Thậm chí không làm gì cả, cũng có lý do. Một lý do nào đó, chính là thứ làm nên ý nghĩa cho sự tồn tại của chúng ta. Tìm ra lý do tại sao phải học cũng quan trọng, song nếu tôi rơi vào hoàn cảnh đó, tôi không nôn nóng tìm ra câu trả lời.
Đừng vội trả lời câu hỏi tại sao phải học!
Nếu như bạn đã không thích học từ tận trái tim, thì có viết ra 100 lý do tại sao phải học cũng không giúp ích nhiều. Hãy thử mà xem, viết ra 100 lý do tại sao phải học, và sau đó bắt đầu ngồi vào bàn học bài. Tôi tin là hầu hết sẽ chẳng ai muốn làm, hoặc có làm xong thì cũng cất bút và… đi chơi.
Hãy trả lời câu hỏi tại sao không thích học trước
Chẳng ai lại đưa cho đứa bé một bài báo liệt kê 10 lợi ích của việc tập đi, tập nói cả, đứa bé cứ tập mà thôi. Tò mò vốn là một bản năng, học hỏi vốn là một nhu cầu bên trong của chúng ta. Tâm trí lúc nào cũng khát nước, và cần được làm mát bởi dòng sông tri thức.
Nếu nhìn nhận khách quan thì bạn sẽ thấy vấn đề chính không phải là tại sao phải học, mà là trong quá trình học tập, bạn đã gặp một khó khăn nào đó. Khó khăn ấy chưa được giải quyết triệt để, nó khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, chán nản, bế tắc trong việc học, đơn giản vậy thôi!
Do vậy, thay vì trả lời câu hỏi tại sao phải học, và có thể không biết bao giờ mới thoả mãn với những câu trả lời nhận được, hãy làm khác đi. Hãy cầm bút lên và viết xuống những lý do tại sao bạn không thích học. Hãy cứ thử, rồi so sánh… với đáp án của tôi.
Tại sao phải học trong khi…
Thế nào? Bạn có điểm nào giống tôi không? Và điều quan trọng hơn là sau khi viết ra lý do tại sao không thích học, bạn thấy thoải mái hơn một chút không? Nếu có, thì xin chúc mừng, bạn đã bắt đầu chạm tới chìa khoá của vấn đề, vốn là cảm xúc ẩn mình dưới câu hỏi tại sao phải học.
Tại sao phải học không còn là vấn đề…
Khi bạn đã xác định được những lý do tại sao mình không thích học, hãy chọn ra một lý do mạnh mẽ nhất, phân tích cho ra khó khăn bạn đang gặp phải. Rồi trong quá trình tìm cách giải quyết những khó khăn cụ thể ấy, bạn sẽ thấy tâm trí được cởi mở với những giải pháp thú vị.
1 – Ở trường dạy những thứ không hữu ích ư? Liệu bạn có chắc không? Hay là do bạn không biết liên kết chúng với thực tiễn mà thôi?
2 – Việc học tốn thời gian ư? Bạn có biết là thật ra có thể thuộc bài trong 5 phút với các kỹ thuật ghi nhớ siêu tốc không? Khi nắm được chúng, bạn đơn giản là học và cảm thấy thích thú.
3 – Học nhiều quên nhiều, không học không quên ư? Bộ não cũng giống cơ bắp, nếu không dùng thì sẽ ngày càng yếu và mắc chứng hay quên, bạn biết chứ?
4 – Cảm thấy mệt mỏi khi học ư? Có những phương pháp giúp bạn có thể học nhiều tiếng liền mà không mệt? Nếu áp dụng thành công, bạn đơn giản là học và cảm thấy sướng.
5 – Thầy cô giáo giảng bài chán ư? Đổ lỗi cho hoàn cảnh liệu có ích chi? Liệu đó có phải là cơ hội để bạn tự học và chiến thắng cảm xúc chán nản?
6 – Sách giáo khoa dày và khô khan ư? Bạn có biết có những cách biến thông tin trên sách trở nên thú vị bằng kỹ thuật ghi chú sáng tạo? Nếu sử dụng, bạn đơn giản là học và thấy vui vẻ.
7 – Bạn đã mất gốc và không thể đạt điểm cao? Liệu điểm số có quan trọng bằng việc bạn rèn luyện cho mình thói quen luôn nỗ lực vượt qua khó khăn? Luôn giữ tinh thần đó, bạn đơn giản là học và chiến thắng chính bản thân mình.
Hãy cứ hành động, hãy cứ mở cửa. Liên tiếp cánh cửa này tới cánh cửa khác, sẽ dẫn bạn tới một tương lai tương sáng hơn, nơi mà ở đó bạn không cần biết tại sao phải học, bạn chỉ đơn giản là muốn học và chinh phục mọi khó khăn mà mình gặp phải mà thôi!