Tác giả bài viết: TRẦN THỊ HỒNG HẠNH( Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội)
ABSTRACT
The present paper aims at demonstrating how the principles, methods and evidences of historical linguistics can shed light on issues of the prehistory and culture of communities.
: Historical linguistics, anthropology, interdisciplinary, ethnic historical culture.
1. Dẫn nhập 1.1
Con người với tư cách là đối tượng nghiên cứu của nhân chủng học sẽ được xem xét với các đặc điểm sinh lí cũng như các đặc điểm tâm lí, tình cảm và các hoạt động đặc trưng… Trong các hoạt động đặc trưng của con người, hoạt động lời nói được coi là có đặc trưng phức tạp nhất và cũng là điển hình nhất của loài động vật cao cấp này. Ngôn ngữ có hai chức năng cơ bản: là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người và là công cụ của tư duy. Đó là thứ công cụ mà chỉ con người mới có đặc quyền sở hữu với tư cách là một thành viên của một cộng đồng xã hội gắn liền với một nền văn hóa nhất định. Do vậy, ngôn ngữ được xem như một trong những tiêu chí quan trọng, góp phần xác định và phân biệt một tộc người.
Là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người, tức có nghĩa ngôn ngữ là một phương tiện căn bản của tương tác xã hội, và tương tác xã hội đến lượt nó lại trở thành phương tiện để qua đó các thể chế căn bản của xã hội (gia đình, pháp luật, chính thể, kinh tế…) được hình thành. Có thể nói, ngôn ngữ thường được xem là điều kiện thiết yếu tạo nên bản chất con người: đó không chỉ là năng lực dựa trên cơ sở sinh học mà còn là một phương tiện của tư duy, công cụ để truyền tải văn hóa và thực hiện hành vi xã hội. Vì thế, ngôn ngữ là công cụ “biểu trưng” của một xã nội, phản ánh kết quả của mối liên hệ sinh học, lịch sử, văn hóa, nhận thức và đời sống xã hội của một cộng đồng.
1.2
Trong giai đoạn đầu phát triển của nhân chủng học, bên cạnh nhân chủng học hình thể, khảo cổ học và dân tộc học, các nhà nhân chủng học coi nhân chủng học ngôn ngữ (linguistic anthropology) là một phần của nhân chủng học văn hóa – một trong bốn lĩnh vực truyền thống của nhân chủng học. Khi đó, các nhà nghiên cứu điền dã nhân chủng học, trong quá trình nghiên cứu các tộc người, đã nhận thấy vai trò quan trọng của ngôn ngữ đối với nghiên cứu dân tộc học. Và vì vậy, ngôn ngữ được các nhà nhân học quan tâm nghiên cứu như là một khía cạnh không thể thiếu của đời sống xã hội, một ánh phản của văn hóa. Một số nhà nhân học coi ngôn ngữ, và cả ngôn ngữ học, là nền tảng của một khoa học về con người, bởi vì nó cung cấp một mối liên hệ giữa cấp độ sinh học và văn hóa xã hội. “Các nhà nhân học ngôn ngữ (…) khẳng định rằng ngôn ngữ gắn chặt với văn hóa và xã hội loài người, và ở mức độ cao là tạo thành nền văn hóa và xã hội loài người” [4, 68], Theo cách hiểu như trên, các nghiên cứu về lịch sử ngôn ngữ hay cấu trúc ngôn ngữ cũng là một nhiệm vụ quan trọng của nhân học, nhằm mục đích “tìm hiểu sự sử dụng ngôn ngữ của con người trong bối cảnh văn hóa – xã hội rộng lớn hơn, cũng như vai trò của ngôn ngữ trong việc duy trì và chuyển hóa các hoạt động văn hóa xã hội” [7, 194],
1.3
Ở Việt Nam, hướng tiếp cận theo cách liên ngành kiểu như vậy cũng đã được đề cập đến, song vẫn chưa được thực hiện một cách có hệ thống, dù vai trò của ngôn ngữ đối với việc tìm hiểu những vấn đề lịch sử văn hoá cũng đã được các nhà nghiên cứu nước ta chú ý đến từ lâu.
Ngay từ thập niên 70 của thế kỉ trước, Trần Quốc Vượng đã từng khẳng định: “Phương pháp nghiên cứu tổng hợp là một phương pháp đúng đắn về nguyên tắc đối với bất cứ việc nghiên cứu nào về bất cứ một vấn đề gì. Tài liệu mọi mặt về lịch sử nước ta thời cổ vừa ít, vừa tản mạn, lại càng đòi hỏi chúng ta phải áp dụng phương pháp nghiên cứu tổng hợp. Tài liệu khảo cổ của chúng ta tuy đã khá nhiều – và tương lai sẽ ngày càng phong phú – song chúng ta không quên nhược điểm căn bản của loại tài liệu này, đó là những tài liệu “câm”, và nhiều hiện vật khảo cổ (ví dụ cái “chạc” gốm trong các di chỉ thời đồng thau Việt Nam) còn là tài liệu “bí ẩn”. Nó không trực tiếp nói lên tiếng nói của tổ tiên ta thời cổ (trừ những hiện vật có khắc chữ mà ta chưa phát hiện được… hay chưa phát hiện được bao nhiêu)… Qua truyền thuyết, qua ngữ ngôn, qua tài liệu chữ viết cổ, phối hợp các tư liệu đó lại, nghiên cứu chúng một cách tổng họp, nhất định ta cỏ thể “nghe được” tiếng nói của cha ông ta từ nghìn xưa vọng lại!” [22, 149], Trần Quốc Vượng đã vận dụng những tri thức và sự am hiểu của mình về “lịch sử, ngữ ngôn và truyền thuyết văn hoá dân gian” mà ông khiêm tốn gọi là “kinh nghiệm bản thân” để nêu ra những “giả thiết công tác” về “tên đất, tên nước, tên người thời Hùng Vương, và qua đó, hiểu được một vài khía cạnh của văn hoá Việt Nam thời cổ”.
2. Ngôn ngữ học lịch sử với khả năng giải quyết những vấn đề nhân chủng học 2.1.
Trên thế giới, việc vận dụng các thao tác của ngôn ngữ học lịch sử vào nghiên cứu các vấn đề lịch sử văn hoá thế giới bắt đầu được thực hiện từ thế kỉ XIX với các nghiên cứu về họ ngôn ngữ Ấn – Âu và bước sang đầu thế kỉ XX với những nghiên cứu về các ngôn ngữ ở châu Mỹ. Cuối thể kỉ XIX và những năm đầu thể kỉ XX, họ đã mở rộng đối tượng nghiên cứu của mình sang các ngôn ngữ ở châu Phi, châu Á [8].
Rõ ràng, ngôn ngữ học lịch sử với nhiệm vụ của mình là phục dựng lịch sử của một ngôn ngữ cũng như xác lập một ngữ hệ cùng với những biến đổi của nó sẽ có thể góp phần quan trọng vào những nghiên cứu về cội nguồn của văn hoá loài người.
3. Những nghiên cứu đã có ở Việt Nam
Tiếng Việt nằm trong bối cảnh không gian là vùng địa lí – văn hoá Đông Nam Á, một vùng đa dạng không chỉ bởi thành phần dân tộc mà còn bởi cả những tương đồng và dị biệt về mặt văn hoá. Ở đây, có những dân tộc ở gần nhau nhưng có sự khác biệt lớn về mặt văn hoá, trong khi có những dân tộc sống rất xa nhau nhưng lại có những nét văn hoá giống nhau. Bức tranh ngôn ngữ đa dạng nhưng cũng không kém phần phức tạp ấy đã khiến cho các nhà nghiên cứu về lịch sử tiếng Việt gặp không ít khó khăn trong việc xác định nguồn gốc, phân định các giai đoạn lịch sử của nó. Tiếng Việt đã từng được xếp vào họ Hán – Tạng, rồi họ Thái – Ka đai, rộng hơn là Nam Thái, Nam Đảo,… Hiện nay, quan điểm được nhiều nhà nghiên cứu đồng thuận hơn cả cho rằng tiếng Việt là ngôn ngữ thuộc nhóm Việt Mường, tiểu nhóm Việt Mường song tiết, thuộc nhánh Môn – Khmer, họ ngôn ngữ Nam Á. Quá trình phát triển của tiếng Việt đã trải qua sáu giai đoạn: giai đoạn tiền Việt Mường, giai đoạn Việt Mường cổ, giai đoạn Việt Mường chung, giai đoạn Việt cổ, giai đoạn Việt trung cổ và giai đoạn Việt hiện đại [28].
Như đã nói ở trên, việc xác định lịch sử của ngôn ngữ có mối quan hệ chặt chẽ với việc tìm hiểu lịch sử văn hoá của con người. Vậy, câu hỏi đặt ra là những kết quả nghiên cứu lịch sử tiếng Việt ấy đã đóng góp được gì cho việc nghiên cứu lịch sử dân tộc? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi xin điểm qua những công trình nghiên cứu để có cái nhìn rõ hơn đối với việc vận dụng kết quả nghiên cứu lịch sử tiếng Việt vào việc nghiên cứu lịch sử văn hoá của dân tộc.
Một trong những ví dụ là nghiên cứu của M. Ferlus [9] về từ vựng Đông Sơn trong tiếng Việt (A layer of Dongsonian vocabulary in Vietnamese). Việc phát hiện ra mối quan hệ giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ bảo thủ (conservative languages) như tiếng Mã Liềng, Arem, Sách, Thổ, v.v… đã giúp các nhà nghiên cứu lịch sử phục dựng được tiếng tiền Việt – Mường, giai đoạn đầu tiên của tiếng Việt. Quan sát, miêu tả và so sánh đặc điểm hình thái cũng như sự biến đổi của âm đầu tf (chữ quốc ngữ là “x”) trong tiếng tiền Việt – Mường và quy luật biến đổi của nó, Ferlus đã nhận thấy rằng, những từ bắt đầu bằng âm vị tf không nhiều nhưng rất quan trọng trong đời sống. Trong đó, có năm cặp từ có sự tương ứng về mặt hình thái: động từ mà bắt đầu bằng X thì danh từ chỉ sự vật để thực hiện hành động ấy được biến đổi trong tiếng Việt sẽ bắt đầu bằng ch: (1) xáy/xay – chày, (2) xeo – chèo, (3) xum/xúm – chùm/ chụm, (4) xỉa – chĩa và (5) xỏ – chõ. Trong năm cặp từ này, sự biến đổi xáy/ xay – chày là biến đổi đáng chú ý nhất.
Và rồi, việc sử dụng chày – cối để xay giã ngũ cốc đem lại hiệu quả hơn hẳn so với các cối nghiền tay bằng đá (saddle quem – rubber stone) trước đó. Các cặp tương ứng hình thái còn lại trong từ vựng tiếng Việt (tương ứng với tf trong tiếng tiền Việt – Mường chỉ có thể giải thích là do cư dân tiếp tục nói cùng một ngôn ngữ tại cùng địa điểm. Và cư dân nói ngôn ngữ đó phải thuộc về một nền văn hoá khuyến khích họ đổi mới. Nền văn hoá Đông Sơn hình thành ở miền Bắc Việt Nám chính là vùng địa lí được M. Ferlus xác định là nguồn gốc của các cặp tương ứng hình thành đó. Và như vậy, có thể kết luận rằng, lớp từ vựng này thuộc về các ngôn ngữ Đông Sơn. Tiếng Việt đã kế thừa một phần ngôn ngữ của người Đông Sơn và người Việt chính là những người thừa kế đích thực của nền văn hoá Đông Sơn.
Bây giờ chúng ta quay trở lại với những trao đổi của Trần Quốc Vượng về việc sử dụng phương pháp liên ngành trong nghiên cứu. Trần Quốc Vượng đã từng đặt ra câu hỏi: “Cổ Loa thành là “thành xưa hình xoáy trôn ốc” hay không? Có lẽ nào tổ tiên ta ở thời kì dựng nước lại đi đặt tên đất tên nước bằng những tiếng ngoại lai?” [22, 151]. Với câu hỏi đặt vấn đề như vậy, rõ ràng có thể vận dụng các quy luật biến đổi ngữ âm của lịch sử tiếng Việt để tìm hiểu đầy đủ ý nghĩa cũng như lí do xuất hiện địa danh này. Cụ thể là, cần phải giải thích được cơ chế chuyển hoá ngữ âm từ địa danh Nôm thuần Việt sang địa danh Hán Việt: cổ Loa là gì, và địa danh Nôm thuần Việt là gì? Dựa vào những chỉ dẫn của Đào Duy Anh về thời điểm xuất hiện của địa danh Cổ Loa và Khả Lũ – một tên gọi Hán Việt khác của địa danh này, thao tác tái lập tiền ngôn ngữ đã được tiến hành và đưa ra dạng thức ban đầu thuần Việt của địa danh này là “klo/ kơlu” – có nghĩa là “ở ngã ba sông”. Sự biến đổi ngữ âm đã biến dạng thức ban đầu “klo/ kơlu” này thành Chạ Chủ, rồi tiếp tục được Hán Việt hoá thành Khả Lũ/ Kim Lũ và dạng thức biến đổi ngữ âm cuối cùng là Cổ Loa. Như vậy, dựa vào ngữ âm lịch sử, ý nghĩa của địa danh Cổ Loa có lẽ phải là “làng ở ngã ba sông” [31].
4. Một số lưu ý về mặt phương pháp
Một trong những lưu ý quan trọng nhất khi vận dụng ngôn ngữ học lịch sử để tiếp cận các vân đề nhân chủng học là nguồn tư liệu. p. Heggarty [29] đã nhấn mạnh nguyên tắc vàng trong nghiên cứu ngôn ngữ học: dạng thức âm thanh mới là căn bản, chứ không phải là dạng thức chữ viết. Nói một cách khác, ngôn ngữ, đối tượng nghiên cứu mà chúng ta cần hướng đến cụ thể phải là dạng thức ngữ âm chứ không phải là dạng thức chữ viết. Đối với sự biến đổi, cần phải lưu ý rằng, sự biến đổi của các ngôn ngữ cùng quan hệ họ hàng cỏ thể diễn ra ở tất cả các vùng địa lí mà những ngôn ngữ ấy được sử dụng, nhưng sự biến đổi ở những vùng khác nhau, có thể diễn ra theo những cách không giống nhau. Nghĩa là, để tìm ra được quy luật cho sự biến đổi, cân phải có nguồn tư liệu đảm bảo cả về lượng lẫn về chất. Còn đối với sự tương đồng, cần phải thận trọng với những điểm giống nhau giữa các ngôn ngữ, bởi các đặc điểm giống nhau trong các ngôn ngữ có thể có xuất phát từ hai lí do [16]: hoặc đấy là sự tương đồng phản ánh tính phổ niệm trong ngôn ngữ, hoặc có thể sự tương đồng lại là do nguồn gốc lịch sử. Với những tương đồng được xác định là do nguồn gốc lịch sử, nhà nghiên cứu cần phải tỉnh táo để nhận diện, đâu là những tương đồng do có chung nguồn gốc, đâu là những tương đồng do sự tiếp xúc mà có. Nói một cách khác, so sánh các ngôn ngữ để tìm hiểu nguồn gốc, lịch sử của ngôn ngữ ấy cần phải được thực hiện một cách khoa học, có hệ thống, không nên nhận xét chỉ mang tính hình thức, cảm tính, có như vậy, mới tránh được những sai sót.
Bài viết của chúng tôi hi vọng giúp thấy được khả năng vận dụng những kết quả nghiên cứu của ngôn ngữ học lịch sử vào việc giải quyết những vẩn đề của lịch sử, văn hoá dân tộc. Nếu áp dụng một cách khoa học và có hệ thống, hướng tiếp cận liên ngành này sẽ có những đóng góp quan trọng đối với việc tìm hiểu tính đặc thù, tính phổ quát của các nền văn hoá và ngôn ngữ cũng như những nguyên tắc tổ chức xã hội của cộng đồng dân tộc Việt Nam cả trong lịch sử và hiện tại.
TÀI LIẸU THAM KHẢO
1. Alves Mark (2023), Identifying Early Sino- Vietnamese Vocabulary via Linguistic, Historical, Archaeological, and Ethnological Data, Bulletin of Chinese Linguistics 9, p. 264-295.
2. Bellwood Peter (2010), Những nhà nông đầu tiên – Nguồn gốc của các xã hội nông nghiệp, Nxb Thế giới, Hà Nội.
3. Blench Roger (2014), Language and archaeology – state of art, in The Cambridge Handbook of Linguistic Anthropology, N.E.Enfield, Paul Kockelman and Jack Sidnell (ed), Cambridge University Press, UK.
4. Bright William Editor in Chief (1992), International Encyclopedia Linguistics Volume 1, Oxford University Press.
5. Convell Patrick Me. & Evans Nicholas (1997), Archaeology and Linguistics –Aboriginal Australia in global perspective, Oxford University Press, Australia.
6. Duranti Alessandro (1997), Linguistic Anthropology, Cambridge: Cambridge University Press.
7. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – ĐHKHXH&NV – Khoa Nhân học (2008), Nhân học Đại cương, Nxb ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh.
8. Ehret Christopher (2012), Linguistic Archaeology, Journal of African Archaeology Review, Volume 29, Issue 2-3, p. 109 – 130.
9. Ferlus Michel (2009), A layer of Dongsonian vocabulary in Vietnamese, Journal of the Southeast Asian Linguistics Society, 1, p. 95-108.
10. Foley William A. (2001), Anthropological Linguistics: An Introduction, Foreign Language Teaching and Research Press and Blackwell Publishers Ltd, Beijing.
11. Hà Văn Tấn (1981), Giao lưu văn hoá ở người Việt cổ, Trong Văn hoá học đại cương và cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb KHXH, 1996.
12. Heggarty Paul (2007), Linguistics for Archaeologists: Principles, Methods and the Case of the Incas, Cambridge Archaeological Journal, Volume 17, Issue 03, October, p. 311 – 340.
13. Lưu Nhuận Thanh (2004), Các trường phái ngôn ngữ học phương Tây, Nxb Lao động, Hà Nội.
14. Lý Toàn Thắng (1999), Giới thiệu giả thuyết “Tính tương đối ngôn ngữ” của Sapir-Whorf, T/c Ngôn ngữ, số 4.
15. Lý Toàn Thắng (2005), Ngôn ngữ học tri nhận – Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, Nxb KHXH, Hà Nội.
16. Mairal Ricardo & Gil Juana (2006), Linguistic Universal, Cambridge University Press, UK.
17. Nguyễn Đức Tồn (2008), Đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, Nxb KHXH, Hà Nội.
18. Nguyễn Tài cẩn (2001), Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá, Nxb ĐHQG Hà Nội.
19. Nguyễn Văn Khang (1999), Ngôn ngữ học xã hội: Những vấn đề cơ bản, Nxb KHXH, Hà Nội.
20. Saussure, F. de (1973). Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Nxb KHXH, Hà Nội.
21. Terrell John E, ed. (2001), Archaeology, Language, and History: Essays on Culture and Ethnicity, Westport, CT and London: Bergin and Garvey.
22. Trần Quốc Vượng (1970), Từ truyền thuyết, ngữ ngôn đến lịch sử, in trong Hùng Vương dựng nước, Tập I, Nxb KHXH, Hà Nội.
23. Trần Trí Dõi (2005), Suy nghĩ về hướng tiếp tục tìm hiểu địa danh Cổ Loa (qua cách giải thích địa danh này của GS Đào Duy Anh), Nxb ĐHQGHN, Hà Nội, tr.99-106.
24. Trần Trí Dõi (2005), Một vài nhận xét về cách Hán Việt hoá địa danh Nôm tên làng: trường hợp địa danh Cổ Loa, In trong Ba bài viết về địa danh cổ Loa của sách 20 năm Việt Nam học theo định hướng liên ngành, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2008, tr. 196-219.
25. Trần Trí Dõi (2005), Tiếp tục tìm hiểu về xuất xứ và ý nghĩa địa danh Cổ Loa (Qua cách giải thích địa danh này của GS Đào Duy Anh), T/c Ngôn ngữ, Số 11.
26. Trần Trí Dõi (2008), Tên gọi của sông Hồng: dấu tích biểu hiện nét đa dạng văn hoá trong lịch sử người Việt, In trong Ngôn ngữ văn hóa Thăng Long – Hà Nội 1000 năm, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2010, tr. 62-76.
27. Trần Trí Dõi (2009), Thử tìm hiểu cách Hán Việt hoá tên riêng trong truyện cổ dân gian Việt: trường hợp truyện “Sự tích trầu cau”, Hội thảo quốc tế Nghiên cứu liên ngành trong khoa học xã hội và nhân văn: kinh nghiệm và triến vọng, T/c Ngôn ngữ, số 11, 2010.
28. Trần Trí Dõi (2011), Một vài vấn đề nghiên cứu so sảnh – lịch sử nhóm ngôn ngữ Việt Mường, Nxb ĐHQG, Hà Nội.
29. Trần Trí Dõi (2012), Họ ngôn ngữ và văn hóa tiền sử: Trường hợp văn hóa Đông Sơn và họ Thái – Kađai, In trong Cộng đồng các tộc người ngữ hệ Thái – Kađai ở Việt Nam…, Nxb Thế giới, Hà Nội.
30. Trần Trí Dõi (2013), Tên gọi thánh ‘”Dóng” và lễ hội ”Phù Đổng”: góc nhìn, từ ngữ âm lịch sử tiếng Việt, T/c Ngôn ngữ, số 2.
31. Trần Trí Dõi (2023), Bàn thêm về vấn đề địa danh học ở Việt Nam, T/c Ngôn ngữ, số 4.
32. Vũ Thị Thanh Hương, Hoàng Tử Quân (2006), Ngôn ngữ văn hóa và xã hội – Một cách tiếp cận liên ngành, Nxb Thế giới, Hà Nội.