Hãy quan sát bé để nhận biết thời điểm bé bắt đầu quan tâm đến màu sắc, những biểu hiện có thể như : – bé cố gắng gọi tên màu sắc khi cầm đồ vật, bé có thể gọi sai nhưng không sao cả – bạn yêu cầu bé đưa một vật có đặc điểm màu sắc và bé đưa đúng (bé nhận biết tên màu qua âm thanh trước khi biết gọi tên), ví dụ : con đưa giúp mẹ cây chì màu xanh dương
Khoảng từ 18 tháng tuổi trở đi, hãy chọn đúng thời điểm. Nếu quá sớm bé sẽ không thể làm theo chỉ dẫn của bạn. Nếu quá dễ bé sẽ mau chóng làm nhanh, lúc đó bạn có thể tăng độ khó để thu hút sự chú ý của bé.
2 – Lựa chọn vật liệu :
Thật ra, ban đầu mình thử cho bé 20 tháng tuổi chơi bộ “màu và hình dạng” của Nathan http://jeux.nathan.fr/familles/jeux/couleurs-et-formes. Bộ này gồm 4 bảng, mỗi bảng 6 hình với các quân cờ có màu tương ứng với hình. Bé chọn quân cờ thích hợp với hình. Tuy nhiên, mình nhận thấy bé có vẻ bối rối, và mau chóng nản mặc dù mình biết bé đã biết phân biệt màu sắc.
Có thể do hình dáng của bảng làm cho bé khó cầm trên tay (cầm lên thì quân cờ đã đặt bị rơi, làm cho trò chơi trở nên rối rắm, 20 tháng tuổi bé rất cần cầm đồ vật để cảm nhận về nó) và quan sát hình ảnh như bé muốn, trò chơi bắt đầu trở làm một bài tập mà bé phải thực hiện theo chỉ dẫn của người lớn chứ bé ít có tự do cầm, nắm, lật, quan sát lâu hay nhanh như ý muốn. Lúc đó, mình quyết định in 4 bảng và cắt nhỏ chúng ra thành từng thẻ rời nhau (như trong hình). Ngay tức khắc, cách chơi này thu hút sự chú ý của bé hơn, và bé hoàn thành trò chơi một cách tích cực.
Bạn có thể lựa chọn hình con thú trên mạng, in trên giấy dày cứng, cắt tạo thành các thẻ với độ lớn 4-5cm (mình ép plastic các thẻ để bé không vò hư), làm y như thế với các quân cờ tròn với màu tương ứng với hình con thú. Bạn nên chọn những hình có 1 màu đơn, nếu không bé sẽ rối. Ví dụ như hình con bọ rùa đỏ đốm đen đã làm bé rối vì không biết nên chọn quân cờ đen hay đỏ.
Đây là trò chơi mà bạn hoàn toàn có thể tự tạo và tăng độ khó tùy theo khả năng của bé.
3 – Tổ chức hoạt động :
Độ khó : ban đầu, bạn có thể chọn 6 hình thú và 6 quân cờ để bé nhận biết 6 bộ đi với nhau. Tùy theo sức của bé mà bạn tăng thêm 12 hình, 18 hình, 24 hình … Sau đó, tăng số màu trong một hình v.v…
Bé cần có sự hỗ trợ của bạn lúc ban đầu, khuyến khích bé. Tuy nhiên, bạn cũng cần có sự quan sát để biết khi nào nên hướng dẫn, khi nào nên im lặng để bé tự tìm giải pháp. Bạn gọi tên từng màu , như “cờ màu đỏ”, “con hãy tìm trái sơ ri màu đỏ”, v.v. Sau đó, với thời gian bé hiểu nguyên tắc, tự tìm các màu giống nhau, bạn chỉ cần gọi tên màu và tên con thú, đồ vật trên thẻ để bé học từ. Khuyến khích bé lặp lại từ mà bạn đã gọi tên. Khi bạn cảm thấy bé tập trung cao độ (quan sát tập trung, không nhìn xung quanh, tự phát âm từ màu sắc hoặc đồ vật), lúc này bạn có thể ngưng nói, để yên tĩnh giúp bé đi sâu hơn vào sự tập trung. Lúc này, chỉ cái nhìn của bạn cũng đủ bé hiểu là bạn đang theo dõi việc bé làm. Với thời gian mức tập trung càng cao và sâu (hơn 3 tuổi), bạn có thể rút lui để bé tự chơi một mình.
Khi bé tìm ra quân cờ tương ứng với hình, bạn có thể xếp qua một bên, theo thứ tự từng màu. Bé sẽ nhận biết được phương pháp sắp xếp này, hình thành ý thức lọc đồ vật theo điều kiện chung (màu xanh lá xếp chung với nhau, màu đỏ xếp chung với nhau…)
Trờ chơi này rất thích hợp để chơi dưới nền nhà, như thế bé có thể trải thẻ ra sàn tự do hơn là chơi trên bàn, thẻ hoặc quân cờ hay bị rơi, làm đứt quãng hành trình quan sát của bé.
4 – Các nguyên tắc :
Quân cờ và thẻ được xếp trong khay hoặc hộp của nó, cất ở nơi bé có thể tự lấy ra chơi. Bạn hướng dẫn bé cách chơi, cách xếp sau khi chơi xong và cất tại nơi quy định.