“Luận bàn một chút.
Trong Thiên Ngoại Phi Thiên Dã Thần Ký có viết:
“Kiếm là vũ khí tượng trưng cho bậc đế vương, còn đao lại là đại diện cho kẻ bá giả. Kiếm và đao tuy hai mà một, tuy một mà hai. Thực chất thì đao ra đời sau kiếm cốt để bổ khuyết cho những thứ mà kiếm còn thiếu sót, đó chính là sức mạnh, sát thương, sự kiêu ngạo, mà kẻ dùng kiếm không có.”
Vậy kiếm là gì? Và đao là gì?
Hiểu đơn giản, kiếm là một loại vũ khí được rèn từ kim loại tốt như sắt, thép, hợp kim. Gồm hai phần lưỡi và chuôi. Tùy trường hợp mà lưỡi kiếm có thể có hai cạnh, mang tính đối xứng với phần đầu chĩa nhọn hay một cạnh với phần đầu có lúc hơi cong. Những cạnh lưỡi kiếm thường được mài cho sắc bén, chuyên dùng để đâm, chém.
Còn đao. Đao là binh khí có cán bằng gỗ cứng hoặc kim loại, lưỡi đao càng về phía trước càng to bản, được vát hơi cong dần về phía mũi. Và chỉ có một cạnh sắc bén, chuyên dùng để chém.
Có thể nhận thấy cả hai đều là binh khí chuyên dụng dùng để tấn công đơn và đa mục tiêu. Nhưng giữa đao và kiếm, khác nhau ra sao?
Chỗ khác nhau cơ bản nhất giữa đao và kiếm là trọng tâm của chúng.
Trọng tâm của kiếm thì nằm ở phần chuôi, khi một thợ rèn đúc kiếm, họ sẽ lắp một miếng kim loại nặng vào chuôi kiếm, có thể là chì, hay quặng khoáng, cốt yêu để chuôi nặng hơn lưỡi. Vì người sử dụng kiếm thường xuyên thực hiện các đòn đâm, chém, gạt, và sử dụng lực cổ tay là chủ yếu. Thế nên nếu phần lưỡi nhẹ, thì người dùng kiếm có thể dễ dàng tùy ý tấn công.
Còn đao, đương nhiên là ngược lại, trọng tâm của nó nằm ở gần mũi đao. Vì đao nặng nên khi sử dụng, kẻ dùng đao chỉ có thể chém, chém và… chém, lợi dụng tối đa lực ly tâm. Cốt yếu một nhát chí mạng, tuyệt không chừa đường sống.
Trong các trận chiến thực tiễn, người chiến binh dù võ công cao cường đến đâu mà không có vũ khí hữu dụng bên mình thì khó có thể đánh bại được kẻ thù.
Ngược lại, nếu như có một thanh kiếm bên người, họ có thể dễ dàng tận dụng các mũi nhọn và lưỡi kiếm một cách hiệu quả. Đó là bởi kiếm có tay cầm ngắn, nhỏ, lưỡi dài, sắc bén, dễ dàng kết hợp với những chiêu thức võ thuật để tạo ra những tuyệt kỹ vô song.
Còn đao thì khác, với ngoại hình cồng kềnh rất kén người sử dụng nên trong các trận chiến hiệu quả dù cao nhưng cũng không thể bằng kiếm.
Nếu như dùng kiếm tham chiến, và với một kiếm sĩ mạnh, cuộc chiến sẽ diễn ra một cách nhanh chóng và để lại cho nạn nhân những vết chém chí mạng, những cú đâm chí tử. Dễ dàng lật ngược tình thế nếu bị vây hãm vào đường cùng.
Còn đao, khi tham chiến thì khả năng lật ngược thế trận tương đối thấp nếu bị dồn vào chân tường. Vì kích thước cũng như trọng lượng của nó không cho phép chủ nhân di chuyển linh hoạt hay ra chiêu dứt khoát được.
Tuy nhiên, nếu gặp kẻ địch am hiểu và thuần thục đao pháp thì kiếm pháp có thể dễ dàng thất thế. Mỗi đòn thế, đường lối tấn công của đao đều dựa vào sức mạnh, vì thế nếu dùng kiếm chống đỡ đao thì sẽ ra sao? Và nếu dùng đao đỡ kiếm thì sẽ như nào?
Trong thiên hạ, không ai mà không biết, vũ khí đế vương chính là kiếm. Vua của các loại binh khí.
Vậy nếu như con gặp đối thủ dùng đao, sẽ đối phó như thế nào? Và nếu gặp kẻ dùng kiếm?”
Người vừa bàn luận kiếm và đao tên gọi Hồng Kiến Minh, là một trưởng lão trong Đoạt Bảo đoàn. Người này tuổi ngoài năm mươi, mày rậm, mắt cao, dáng người cân đối, khuôn mặt dễ nhìn, hai hàng râu trên dưới miệng tô điểm lên sự già dặn. Người này mặc trang phục của Thanh Ngọc quốc gia, đất nước bên kia đại dương, với hoa văn cẩm tú thêu nổi trên y phục.
Người này lên tiếng và nhìn về một nhóm người đang dựng trại bên đường. Trong số đó có một thiếu niên tuổi tầm đôi mươi, dáng cao, thân hơi ốm, bên hông giắt một cây đoản đao ngắn, không biết được rèn từ thứ gì. Vỏ bọc đoản đao có họa tiết rồng phượng uốn lượn khá bắt mắt. Và y phục của thiếu niên này tất nhiên cũng giống người kia.
Nhận thấy thiếu niên này ậm ừ suy nghĩ, có vẻ là đang phân vân. Hồng Kiến Minh cười rồi thốt.
“Tuy kiếm và đao là hai loại binh khí mạnh nhưng chúng vẫn có điểm yếu.”
Dường như nhận thấy hàm ý trong câu nói này, thiếu niên kia gật đầu. Rồi khẽ đáp.
“Theo con nghĩ. Kẻ dùng kiếm và đao sợ nhất chính là việc đối thủ tiếp cận mình trong khoảng cách an toàn.”
Kiến Minh gật đầu. Nhìn xung quanh, lều trại đều đã được dựng xong. Cách họ vài dặm đường chính là thành Vũ Thanh.
“Điểm yếu chí mạng của kẻ dùng kiếm và đao là không thể giữ khoảng cách với địch thủ. Vì hai binh khí đều là loại vũ khí dài thế nên nếu để đối thủ tiếp cận thì kiếm hay đao đều vô dụng.”
Thiếu niên gật đầu theo lời nói của Kiến Minh.
“Với việc con dùng đoản kiếm, vừa có lợi vừa có hại. Lợi là có thể sử dụng linh hoạt trong môi trường chật hẹp, nếu tiếp cận được địch thủ thì việc đoạt mạng, nắm trong lòng bàn tay. Còn hại, chính là với kích thước ngắn, con sẽ khó tiếp cận được kẻ dùng kiếm và đao, nếu gặp địch thủ mạnh, họ sẽ biết tiến biết lùi, không bao giờ tạo sơ hở để con có thể tiếp cận. Nếu như thế thì việc đại bại là điều tất yếu.”
Kiến Minh vừa nói vừa giơ một cây đoản kiếm khá đẹp giắt bên hông lên, đưa ngang qua mặt thiếu niên kia. Đoản kiếm dài tầm ba gang, cán nhỏ, lưỡi bén, dưới ánh lửa, lưỡi đoản kiếm toát lên màu xanh xẫm kì lạ.
“Vậy, có cách nào có thể biến hại thành lợi?” Thiếu niên lên tiếng, tò mò hỏi.
Kiến Minh trầm ngâm.
“Điều này phải dựa vào bản thân con. Binh khí là vật chết, người sử dụng là vật sống. Dù binh khí mạnh đến đâu mà người sử dụng yếu kém tất sẽ bị đoạt mạng. Ngược lại, nếu người sử dụng là một kẻ mạnh thì cho dù là cành cây ngọn cỏ, cũng có thể lấy mạng người khác.”
Thiếu niên ra chiều trầm tư.
“Con cũng tự biết học nghệ chưa thông, nhưng lần này vì muốn lập công cho hội nên con theo cha đến đây, nhưng con cũng nghe nói lần này, những kẻ nhúng tay vào cuộc săn đều là anh hùng hào kiệt. Con lo…”
Kiến Minh cười lớn.
“Lo lắng là điều tất nhiên. Thế theo con, thì lần này kẻ nào khiến con đáng ngại nhất.?”
Thiếu niên suy nghĩ hồi lâu. Rồi nói.
“Con chưa va chạm nhiều nên không thể biết.”
Kiến Minh nhìn thiếu niên, rồi rút cây đoản kiếm của anh ta, đưa ngang qua ánh lửa. Đoản kiếm này cũng khá giống với đoản kiếm của Kiến Minh, có điều nó không phát sáng.
“Theo ta biết thì lần này, ngoài hai kẻ võ phu Trần Gia Phong và Cao Thanh Dương, còn có thêm hai người từ phiên ngoại đến.”
“Họ là ai?”
“Theo tin tức nhận được, chúng gồm một nam và một nữ, nữ thì không rõ lai lịch, nhưng nam thì ta khá quen. Hắn họ Khúc, tên chỉ một chữ Tự. Là người làng Vũ Hoa, tỉnh Vũ Hải. Mười năm trước nổi danh trên giang hồ bởi tài nghệ kiếm thuật điêu luyện trong đại hội Hoa Đăng. Hắn sử dụng một đoản kiếm và một trường kiếm. Năng lực của hắn đến từ việc dễ dàng thuần thục mọi chiêu thức mà hắn học được, hắn là một nhân tài kiếm thuật.”
“Tại sao người này lại không dùng hai đoản kiếm hay hai trường kiếm?”
“Ta cũng không rõ lắm. Chỉ nghe nói rằng việc hắn có thể tối ưu hóa sát thương của đoản kiếm khi kết hợp trường kiếm đã khiến địch thủ khó tấn công trực diện hay cố gắng tiếp cận. Thế nên ta nghĩ việc người này sử dụng hai binh khí ấy là có lý do”
“Thế còn hai kẻ Tầm bảo sư bạch kim kia liệu có đáng ngại?”
“Ha ha. Đáng thì không mà ngại thì cũng chẳng có. Tuy nhiên nếu đối đầu sinh tử, thì con cũng chớ xem thường chúng. Việc có những kẻ tầm bảo bậc thấp mạnh hơn những kẻ bậc cao là điều không hiếm. Thế nên dù gì cũng chớ khinh địch.”
“Đối với con thì không thể khinh nhưng còn cha, dù gì cũng là thập tứ trưởng lão. Việc đối phó với chúng chắc chắn dễ ăn.”
Thiếu niên ra chiều nịnh bợ. Kiến Minh biết điều ấy nên chỉ cười.
“Ha ha. Lần này xem ra đưa con theo cũng giúp con được phần nào đấy. Ngày mai, chúng ta vào thành mua chút đồ rồi cấp tốc lên đường. Thời gian lúc này không thể chậm trễ hơn chúng được.”
“Vâng cha.”
“Đoạn đường từ thành vũ thanh đến chân Hồ Sơn khá dài, vì thế nên con hãy tranh thủ nghỉ ngơi. Bắt đầu từ mai sẽ là chặng đường gian khổ đấy.”
“À mà cha, theo cha thì kiếm là vua của mọi binh khí. Vậy thì nếu để mà xếp loại, trong thiên hạ này, thanh kiếm nào là quý nhất. Thanh kiếm nào là vua của mọi loại kiếm.”
Kiến Minh trầm ngâm. Hồi lâu mới lên tiếng.
“Ta từng nghe nói, bên kia đại dương, có một thanh kiếm được rèn hoàn toàn thủ công bằng Tử Tinh Thạch và Hắc Thiết, có tuổi đời nghìn năm, nhiều kẻ từng đồn rằng người sử dụng thanh kiếm này có thể điều khiển được các nguyên tố của tự nhiên. Điều mà ta hằng nghi hoặc. Làm gì có vũ khí mất cân bằng đến như thế tồn tại cơ chứ?. Tuy nhiên, nhiều năm trước, một vài tin tức cho hay nó đã được một kẻ nhập môn tầm bảo nắm giữ. Ta không biết thực hư, nhưng ta nghĩ có lẽ nói thanh kiếm ấy là vua của mọi loại kiếm cũng không ngoa. Còn con?”
“Theo con nghĩ, vua của kiếm tất nhiên phải là một trong tứ đại thần binh của Vô Danh triều. Linh Tử Kiếm.”
Thiếu niên ra chiều chắc chắn với nhận định của mình.
“Vô danh triều, thần binh. Ha ha. Đó cũng chỉ là lời đồn. Ta sống đến tuổi này, đi đây đi đó, cũng chỉ nghe nói chứ chưa bao giờ thấy có ai kiểm chứng sự chính xác của thanh kiếm ấy. Thần binh, có chăng chỉ là truyền thuyết. Nhưng dù sao, nếu nó tồn tại và ta có cơ duyên sở hữu nó thì có chết cũng được.”
“Thôi thôi. Cha đừng nói bậy. Tạm gác mấy chuyện kiếm đao này qua bên. Ngày mai, chúng ta đi săn Ngọc Lục Bảo, nhưng con tò mò là nó như thế nào?”
Kiến Minh cười rồi nói.
“Đến lúc thấy nó, con tự khắc biết.”
…
Thập Tam Sơn là dãy núi to lớn nằm tại phía nam tỉnh Vũ Sương, với chiều dài hơn tám trăm dặm, nó cũng trở thành ranh giới tự nhiên giữa đại lục Lục Lam và Thất Huyền hải, xa hơn nữa là đại lục Ngọc Bích.
Từ thành Vũ Thanh, nhóm hơn ba mươi người tầm bảo sư bắt đầu chuyến săn với đoạn đường gần ba mươi dặm.
Họ xuất phát từ tờ mờ sáng và đến giữa trưa cũng đã đến được khá gần chân núi. Trước mặt mọi người lúc này là bìa rừng Hồ Sơn, thuộc ngọn Hồ Sơn, dãy Thập Tam Sơn.
Dẫn đầu đoàn tầm bảo không ai khác chính là Trần Gia Phong và Cao Thanh Dương, hai tầm bảo sư có tên tuổi tại vùng này.
Từ tối hôm trước, họ đã cùng nhau bàn bạc về việc di chuyển. Vì tình hình ngoài dự đoán chính là Ngọc Lục Bảo sắp biến mất thế nên họ không chờ đợi hai người tầm bảo sư bậc Hắc Kim kia đến mà vội đi trước. Theo thông tin thì Ngọc Lục Bảo lần này được phát hiện khoảng giữa lưng chừng núi, cách địa điểm hiện tại tầm hai mươi ba dặm.
Họ chỉ cần vượt qua khu rừng này là đến được chân núi, từ đó, họ bắt đầu men theo những con đường cổ mà người xưa tạo tác, những con đường nằm trên độ cao quá tầm mắt, chật hẹp và khó mà di chuyển nhanh. Nếu vượt qua đoạn đường này, họ sẽ đặt chân đến một vùng gọi là Vô Sơn Hồ Quán.
Một vùng đất khá rộng được bao phủ bởi những cây đại thụ to lớn, bám đầy tuyết và cái lạnh của độ cao. Tại đây, có một vài ngôi nhà được những người tìm bảo đời trước xây dựng để tiện việc thu thập và bảo quản báu vật.
Vô Sơn Hồ Quán nằm phía Bắc ngọn Hồ Sơn, một bên là vách đá cheo leo, một bên là vực thẳm sâu hun hút, một bên là những đại cây rậm rạp, bao phủ một vùng trời. Từ lúc này, việc tìm kiếm Ngọc Lục Bảo sẽ bắt đầu.
Chuyến đi này, trên đoạn đường có khá nhiều người quen, đa số là thuộc những bang phái nhỏ lẽ khắp vùng đổ về, số còn lại thì là những kẻ không mấy quan tâm, Đoạt Bảo đoàn.
Việc đụng chạm lúc này có lẽ là không cần thiết thế nên tất cả các bang phái đều không tỏ vẻ gây hấn. Trái lại, họ mau chóng di chuyển, cố gắng đến được nơi cần đến trước tiên.
Ngoài Hồ Sơn Lâm lúc này số người tìm bảo có lẽ lên đến con số gần một trăm người, ai nấy đều nói chuyện bàn tán sôi nổi, làm cả vùng trở nên ồn ào, chim chóc vì thế bay tán loạn. Giờ là giữa trưa, là thời điểm để mọi người nghỉ ngơi sau một buổi sáng khá vất vả. Họ bắt đầu ăn uống ngủ nghỉ, chẳng mấy thời gian sau, bìa rừng đã chen kín những thảm trải, rác thải.
…
Thành Vũ Thanh, bên trong một quán trọ.
Vài tầm bảo sư được lệnh chờ đợi hai vị cao thủ của bang hội cuối cùng cũng hoàn thành nhiệm vụ.
Từ bên ngoài, hai người một nam một nữ bước vào. Người nam tên gọi Khúc Tự, tuổi tầm ba mươi, sở hữu hai thanh kiếm một ngắn một dài, thanh ngắn giắt bên hông còn thanh dài đeo sau lưng. Khuôn mặt ưa nhìn, dáng cao, người gầy, tóc buộc, trông giống những gã phiêu bạc giang hồ thời xưa.
Người nữ thì tên gọi Lục Tố Như, không thấy mang theo binh khí gì. Dáng người mảnh mai, trông liễu yếu đào tơ, nhưng ánh mắt lại có phần lẳng lơi, mặt trái xoan, tóc buộc ngang vai, khi cười để lộ má lúm đồng tiền bên má trái khá dễ thương. Nhìn vóc dáng cùng khuôn mặt thì đoán rằng chỉ tầm khoảng mười bảy mười tám tuổi.
Hai người bước vào liền nhận ra ám hiệu của hội đặt trên một cái bàn giữa quán. Ám hiệu là một tấm thẻ gỗ, có khắc hình bán nguyệt cùng một loài hoa lạ. Kèm theo ám hiệu là ba hòn đá nhỏ.
Theo hiểu biết, ám hiệu này có thể hiểu như sau: Di chuyển ba mươi dặm, ngoài thành. Gặp nhau tại vị trí có đánh dấu.
Khúc Tự nhìn ba người tầm bảo bậc thấp gật đầu ra hiệu nhận được thông tin. Họ cũng cúi đầu thi lễ. Cấp bậc họ thấp hơn thế nên không thể lỗ mãng mà đắc tội được.
Lục Tố Như nhìn Khúc Tự rồi tiến tới cạnh bàn, lấy tấm thẻ gỗ cất vào người rồi lên tiếng.
“Chúng ta đi thôi, nếu đi mau có lẽ đến tối sẽ bắt kịp họ. Hi vọng là họ vẫn chưa vào khu rừng ấy.”
Khúc Tự gật đầu rồi nhìn ba người kia.
“Các người đi hay ở?”
Một câu hỏi được đặt ra. Vừa dứt lời, một trong ba người lập tức lên tiếng.
“Tất nhiên là đi. Mời hai vị đi trước, chúng tôi sẽ theo sau, hộ tống. Quyết không để hai vị phải chịu khổ.”
Khúc Tự gật đầu lần nữa rồi nhìn Lục Tố Như.
“Hi vọng họ chưa đặt chân vào khu rừng ấy.”
Cả hai nhìn nhau rồi tiến ra khỏi quán trọ. Ba người kia đi sau.
Cả năm người lập tức được gia nhân trong quán đưa vài con thú cưỡi đặc trưng của vùng, chuyên để tiến vào núi. Họ gật đầu rồi lên thú cưỡi, hướng về khu rừng bên dưới chân núi mà tiến.
Ngọn núi phía trước, tuy xa mà gần đang có những biến động.