Nguyên Nhân Y Đức Xuống Cấp / Top 9 # Xem Nhiều Nhất & Mới Nhất 6/2023 # Top View | Channuoithuy.edu.vn

Bộ Trưởng Y Tế Phân Tích 4 Nguyên Nhân Đạo Đức Ngành Y Xuống Cấp

Về đạo đức nghề nghiệp thì lĩnh vực nào cũng cần phải có và đạo đức ngành y không thể hình thành trong 6 năm đào tạo và hành nghề mà nó qua từ lúc lọt lòng của người mẹ chào đời cho đến lúc xuống nằm hẳn ở thế giới bên kia thì đều phải có sự giáo dục của gia đình, của xã hội và sự rèn luyện nhân cách của chính bản thân người đó. Vụ Cát Tường là điển hình, không chỉ đạo đức ngành y mà là mất nhân tính con người và gây ra nỗi đau đớn, bức xúc không chỉ cho nạn nhân mà là đau đớn nhất của cả ngành y, tất cả cán bộ ngành y của chúng tôi đều cảm giác không thể tin đó là sự thật.

Về nguyên nhân xuống cấp đạo đức có rất nhiều nguyên nhân, chúng tôi chỉ nêu nguyên nhân chính:

Thứ nhất, bản thân con người đó không rèn luyện chính mình, từ xã hội, gia đình và trong quá trình đào tạo.

Thứ hai là cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta có những mặt tích cực, tuy nhiên cũng có tác động tiêu cực, đó là lợi nhuận, đó là mong muốn kiếm được nhiều tiền, bất chấp và vượt quá khả năng cho phép của mình về nghề nghiệp cũng như trách nhiệm.

Thứ ba, trong bệnh viện công lập vì quá tải nên thái độ, đạo đức không đáp ứng được cả vấn đề về thái độ lẫn trách nhiệm.

Một số nguyên nhân khác chúng tôi không phân tích sâu.

Về giải pháp sắp tới, chúng tôi nghĩ đây là một lời cảnh tỉnh toàn bộ hệ thống ngành y tế của chúng tôi để có thể vượt qua mọi khó khăn và quyết tâm sửa chữa. Về văn bản quy phạm pháp luật tất cả những văn bản luật, nghị định, thông tư của bộ ban hành về hành nghề tư nhân cũng như công lập đã được rõ và quy định những điều kiện nào thì hành nghề. Như thành phố Hà Nội còn ban hành Chỉ thị số 10 để giao cấp quản lý cho chính quyền cấp quận và cấp huyện, đặc biệt Hà Nội còn thành lập tổ liên ngành về xã hội để quản lý trên địa bàn các hoạt động về y tế tư nhân cũng như mở ngoài giờ. Ngoài ra chúng tôi đã ban hành Thông tư rút giấy phép và đình chỉ hoạt động của các cơ sở hành nghề công lập và ngoài công lập. Chúng tôi đang biên soạn Thông tư về đạo đức ứng xử nghề nghiệp, cái này cũng rất nhạy cảm. Nhiều cán bộ y tế nói với chúng tôi là tại sao ngành khác không có mà ngành này các đồng chí lãnh đạo lại xây dựng là ai cũng phải có đạo đức.

Chúng tôi nói là ngành y đụng chạm đến sức khỏe và tính mạng của người dân, sai sót của người kỹ sư chỉ hỏng cái máy vi tính, chúng ta mà sai sót là ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân, sự tai biến của y khoa đó dập dình không phải là hàng tháng, hàng ngày, hàng giờ mà cả hàng phút, không phải ở nước chúng ta mà kể cả các nước đã phát triển. Ngay như Hoa Kỳ tỷ lệ tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống cũng là 7/100.000 nhân lên với dân số thì cũng là 1 ngày có mấy bà mẹ và trẻ em tử vong. Người thầy thuốc ngoài trách nhiệm chuyên môn còn có trách nhiệm lương tâm cho nên hết sức căng thẳng, trách nhiệm cao, đòi hòi học suốt đời, vì thế chúng tôi vẫn quyết tâm ban hành thông tư này.

Thứ ba, hiện nay chúng tôi đang thành lập đường dây nóng ở 3 cấp, Bộ Y tế, Sở y tế, bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện. Ngày hôm qua chúng tôi đã triển khai sớm ban hành chỉ thị này để người dân phát hiện có thể phản ánh trực tiếp trong đường dây nóng. Trong thời gian qua chúng tôi nhận hơn 1.000 cuộc gọi điện thoại trực tiếp.

Thứ nhất là thái độ, 50% phản ánh của người dân là thái độ không tốt của cán bộ y tế, việc này chúng tôi sẽ chấn chỉnh bằng các biện pháp hành chính, thi đua và tài chính, xử phạt theo Luật công chức và viên chức.

Thứ hai là những tắc trách, giải quyết không kịp thời về chuyên môn ở từng bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh, không giải quyết được thì đường dây nóng đến Sở y tế và không giải quyết nữa thì đường dây nóng lên Bộ Y tế.

Thứ ba, chúng tôi đã tổ chức 11 lớp về quy tắc ứng xử đạo đức cho khoảng 6.000 cán bộ, công nhân viên từ điều dưỡng bệnh viện huyện hiện nay, chúng tôi đã hoàn thành tập huấn cho 6.000 cán bộ gắn với cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sắp tới chúng tôi sẽ đưa vào kỷ luật, nếu bệnh viện nào xảy ra chuyện đó thì tất cả các danh hiệu thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú và các phần thưởng của nhà nước sẽ bị đình hoãn lại. Theo phân công trách nhiệm là từ bộ trưởng, giám đốc sở, giám đốc bệnh viện, trưởng khoa, kể cả chính quyền địa phương theo phân cấp để có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị.

Chúng tôi nghĩ đạo đức nghề nghiệp là một vấn đề rất lớn, đặc biệt là ngành y, chúng tôi cảm nhận sâu sắc vấn đề này, cũng mong các đại biểu Quốc hội và xã hội cùng giám sát, giúp đỡ chúng tôi, cũng không thể một sớm, một chiều trong nền kinh tế thị trường như hiện nay. Chúng tôi thấy rằng những góp ý vừa rồi của các đại biểu rất thẳng thắn, chân thành, đây là một lần ngành y tế xốc lại đạo đức nghề nghiệp. Chúng tôi cũng mong muốn đường dây nóng này được các đại biểu Quốc hội thường xuyên kiểm tra, phát hiện để chúng tôi xử lý kịp thời.

Chúng tôi hy vọng đại biểu và nhân dân nhìn một cách khoan dung và toàn diện, một năm ngành y tế khám, chữa bệnh cho 121 triệu lượt người khám bệnh cho bảo hiểm y tế chưa có dịch vụ và khoảng 400 ngàn không kể ngoài công lập cán bộ y tế ở từ xã cho đến trung ương cho nên với số lượng lớn như thế chắc chắn cũng có những tỷ lệ nhất định, những tai biến và cũng có những cán bộ y tế con sâu làm rầu nồi canh không đảm bảo đạo đức nghề nghiệp cũng như trình độ chuyên môn.

Tới đây chúng tôi cũng sẽ có những đột phá về đào tạo chuyên môn, về chuyển giao công nghệ tích cực cho tuyến dưới và cũng được phép của Bộ Chính trị và Ban cán sự Đảng Chính phủ thì Bộ Y tế đang trình 2 đề án tăng cường y tế cơ sở và tăng cường chất lượng khám chữa bệnh và nâng cao chất lượng của tuyến trên, tuyến cuối trung ương để giảm tải cho tuyến dưới và các đề án chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới để giúp chất lượng tuyến dưới tốt hơn và đặc biệt song song đó là chúng ta sẽ quyết tâm các đề án nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Xin trân trọng cảm ơn .

Mai Hà

Báo Động Tình Trạng Y Đức Xuống Cấp Tại Việt Nam

Bác sĩ Phụng: Tôi là bác sĩ Phụng, hiện đang du học ở Nhật.

Y tá Minh: Tôi là Bình Minh, đang học y tá ở Nhật, qua đây được 6 năm rồi.

Huy Sài Gòn: Tôi là Huy ở Sài Gòn.

Tiến Hà Nội: Tôi là Kim Tiến từ Hà Nội.

Trà Mi: Nói về chất lượng, tiêu chuẩn của đội ngũ y tế ở Việt Nam, gần đây vấn đề y đức của người thầy thuốc là đề tài được bàn cãi và phản ảnh rất nhiều trên các phương tiện truyền thông cả trong lẫn ngoài nước. Từ kinh nghiệm bản thân hay từ ghi nhận của mình, các bạn thấy hình ảnh người thầy thuốc trong xã hội Việt Nam ngày nay như thế nào?

Huy Sài Gòn: Cách đây khoảng 2 tháng mình có mổ ruột thừa. Sáng hôm đó, Trưởng Khoa ngoại của bệnh viện 115 đi khám cho bệnh nhân ở tất cả các phòng. Ông ấy đi nhìn bệnh nhân, cứ nhìn thôi như thể có khả năng cao siêu, chỉ nhìn là biết người ta khỏi bệnh hay không. Ông cứ cho bệnh nhân về. Có một ông cụ đang đặt ống dẫn lưu cũng bị ông trưởng khoa rút ống cho về, không nhấn bụng, không coi cho người ta gì hết. Sau khi rút ống khoảng nửa tiếng sau, ông cụ la đau bụng vì dịch dẫn lưu dẫn ra chưa hết. Lúc đó, y tá, bác sĩ điều trị chạy vô đặt lại ống dẫn lưu cho cụ. Ông cụ bê nguyên bình ống dẫn lưu lên kiếm bác sĩ trưởng khoa thì ông trưởng khoa trốn mất. Đây là một trong những chuyện tôi chứng kiến tận mắt, rất hài hước. Họ coi sinh mạng con người không ra gì hết. Ghi nhận về hiện trạng đang xảy ra ở ngành y tế Việt Nam, tôi thấy họ không còn nhớ tới lời thề Hyppocrates là cái gì nữa hết.

Trà Mi: Huy vừa đưa ra nhận xét của bạn về hình ảnh người thầy thuốc Việt Nam và hai chữ y đức. Mời Tiến.

Tiến Hà Nội: Em cho rằng y đức tại Việt Nam đang xuống cấp trầm trọng. Có những người bác sĩ rất thiếu y đức. Em và gia đình trong một lần bà em nằm viện đã trực tiếp chứng kiến cách cư xử vô văn hóa và thiếu y đức của bác sĩ đối với bệnh nhân. Bà em vào nằm bệnh viện Bạch Mai, khoa miễn dịch lâm sàng. Tiền viện đóng không hề ít, gần 1 triệu đồng/ngày, mà cả ngày mới có 1 người đến xem bệnh. Hôm đó, bà em bị đau bụng dữ dội, nhưng yêu cầu từ sáng mãi đến chiều cũng chỉ được câu trả lời là hiện tại không có bác sĩ nào trực trong ca đó. Em không thể hiểu tại sao trong giờ hành chính mà lại không có một bác sĩ nào trực. Gia đình em đã yêu cầu cho bà em xuất viện ngay trong đêm hôm đó để vào bệnh viện tư. Đi khám ở các bệnh viện tư, cách họ cư xử với bệnh nhân hoàn toàn khác biệt. Bác sĩ ở bệnh viện tư đối xử với bệnh nhân hết sức hòa nhã.

Trà Mi: Tiến nói có sự khác biệt giữa cung cách phục vụ giữa bệnh viện tư-công, nhưng mức tiền bệnh nhân phải chi trả để được sự khác biệt đó chênh lệch thế nào?

Tiến Hà Nội: Số tiền nằm bệnh viện tư 1-2 ngày bằng số tiền vào bệnh viện công nằm 1 tuần. Tuy nhiên, trong thời gian nằm bệnh viện công 1 tuần, bà em bệnh trạng càng nặng hơn và không được sự để ý nhiều.

Trà Mi: Mình vừa ghi nhận ý kiến của Huy và Tiến từ góc cạnh bệnh nhân, những người đã trực tiếp chứng kiến hoặc tiếp nhận sự phục vụ của đội ngũ y bác sĩ ở Việt Nam. Thế ý kiến từ phía những người trong ngành thế nào? Bác sĩ Phụng có cảm nghĩ thế nào trước sự than phiền của bệnh nhân và sự phản ảnh của xã hội đối với ngành y?

Bác sĩ Phụng: Cảnh mà các bạn nói cũng không có gì xa lạ đối với mình. Thật sự mình công tác vừa ở bệnh viện công vừa ở bệnh viện tư, nên mình hiểu được nỗi lòng của bạn. Cũng xót xa lắm chứ, nhưng có một số điều mình cũng muốn nói để bạn thông cảm. Đó là bệnh viện công chỉ chú ý tới vấn đề điều trị bệnh, chứ không chú ý tới vấn đề điều trị con người. Họ chỉ chú ý điều trị tới bệnh lý (không có thời gian quan tâm đến tâm lý tiếp xúc). Chính vì vậy họ bỏ quên yếu tố con người và điều đó làm bạn bức xúc. Đó là thực tế hiện tại ở Việt Nam.

Y tá Minh: Cho mình góp ý.

Trà Mi: Phụng đồng ý với những thực tế mà bệnh nhân nêu ra. Mời Minh.

Y tá Minh: Mình rất hiểu tâm trạng của bệnh nhân cũng như tâm trạng của bác sĩ. Tuy nhiên, ở Việt Nam bây giờ điều kiện khách quan không cho phép bác sĩ quan tâm tới bệnh nhân nhiều trong bệnh viện công vì sự quá tải. Bệnh nhân cảm thấy bị bỏ rơi vì như ông bác sĩ đó có thể một buổi sáng ông phải đi xem cho cả trăm người bệnh, không thể nào ông dừng lại trao đổi với bệnh nhân. Đó là yếu tố khách quan mình muốn nói tới. Từ phần chữa bệnh cho tới phần nói chuyện với bệnh nhân sao cho phải đạo, chuyện đó làm rất khó. Nhưng còn một yếu tố khách quan nữa, đó là chúng ta chưa có hệ thống để kiểm tra chất lượng bác sĩ. Chúng ta không kiểm soát sản phẩm của mình. Cho nên, vàng thau lẫn lộn. Điều này gây ảnh hưởng tới bệnh nhân rất nhiều. Đúng là y đức đang xuống dốc thật. Nhưng Minh cũng xin nói một ý nữa là về mặt bệnh nhân. Ví dụ như chỉ bị ngã thì không cần phải lên bệnh viện Chợ Rẫy chầu chực cả ngày. Thay vì đó, có thể đọc sách hay tìm ra phương pháp thích hợp với mình hơn. Điều này lại phụ thuộc vào dân trí. Người bác sĩ có thể do hay làm việc trong môi trường đó nên thấy cái gì cũng bình thường hết. Ngược lại, đối với bệnh nhân, cả đời họ mới bị một lần nên cảm thấy chuyện đó là quá sức chịu đựng. Trong khi không có một sự giải thích nào và sự thấu hiểu giữa hai bên thì dẫn tới những chuyện đáng tiếc như vậy.

Tiến Hà Nội: Em không nói từ ví dụ riêng của bản thân mình không mà…

Huy Sài Gòn: Mình cũng biết là áp lực làm việc trong bệnh viện công rất cao, nên mình cũng thông cảm điều đó, nhưng nguyên nhân gây ra là do cả một hệ thống.

Y tá Minh: Đúng rồi.

Huy Sài Gòn: Cả hệ thống tổ chức như thế nào để gây nên sự mất lòng tin của người dân đối với các bệnh viện ở tuyến dưới. Chính điều này tạo nên áp lực đối với các bệnh viện ở tuyến trên. Khi một người làm việc trong áp lực căng thẳng như vậy, đương nhiên họ không thể nào tươi cười trao đổi vui vẻ, thoải mái với bệnh nhân được.

Tiến Hà Nội: Thật ra còn rất nhiều trường hợp khác, nhất là các trường hợp cả bà mẹ lẫn thai nhi bị chết tức tưởi rất là nhiều. Nếu không có phong bì lót tay, bệnh nhân rất ít khi được quan tâm tận tình, chu đáo. Đó là những chuyện đang diễn ra rất nhiều hiện nay ở Việt Nam. Những người nghèo đi bệnh viện bị đối xử một cách bất công. Những người có tiền lại được đối xử một cách khác.

Trà Mi: Ngoài nguyên do từ áp lực công việc, còn nguyên do nào khác khi chúng ta bàn tới vấn đề y đức đang bị xuống cấp hay không?

Y tá Minh: Mình rất khó làm được điều tốt khi không có thời gian. Rất nhiều bệnh viện hiện nay có quá nhiều bác sĩ không tốt trong một bệnh viện thì sẽ thực sự ảnh hưởng tới bệnh nhân.

Trà Mi: Minh nói ‘có quá nhiều bác sĩ không tốt trong một bệnh viện’. Vì sao lại có tình trạng đó?

Y tá Minh: Vì người ta không tuyển bác sĩ dựa vào năng lực. Những bác sĩ giỏi không được vào những chỗ tốt. Ở Việt Nam giờ đào tạo rất đại trà, rất nhiều loại hình bác sĩ khác nhau, nhưng rốt cuộc không ai kiểm tra hết. Qúa trình đào tạo quá lỏng lẻo.

Trà Mi: Một ý nữa đưa ra là do khâu đào tạo. Minh nói có nhiều bác sĩ giỏi không kiếm được chỗ tốt, thế thì họ đi đâu?

Y tá Minh: Còn tùy vào hoàn cảnh của họ, ví dụ họ chọn ngay các bệnh viện tư. Thứ hai, có thể bác sĩ giỏi vẫn làm được ở bệnh viện công nhưng không có cơ hội có tiếng nói trong khoa. Ví dụ bác sĩ giỏi có thể biết điều đó là sai đối với bệnh nhân, nhưng không thể nói được.

Trà Mi: Ý kiến bác sĩ Phụng?

Bác sĩ Phụng: Yếu tố mấu chốt nhất vẫn là yếu tố tâm lý tiếp xúc. Bác sĩ không giải thích triệt để cho bệnh nhân, khiến bệnh nhân thiếu thông tin, gây ra sự mâu thuẫn giữa y bác sĩ với bệnh nhân. Điều này xảy ra ở rất nhiều bệnh viện. Đó là một sự cố tất yếu khi hệ thống y tế bị quá tải, cộng với người dân mất lòng tin vào bác sĩ. Ở Nhật tại sao không có tình trạng này? Vì Nhật không có sự quá tải ở các bệnh viện.

Y tá Minh: Thật ra nói ở Nhật không quá tải cũng không đúng. Đương nhiên nó không quá tải như Việt Nam, nhưng vẫn có những chỗ bị quá tải. Ví dụ ở Nhật, một bệnh nhân khi vào bệnh viện được phát nguyên tập tài liệu cho biết một ca mổ gồm các tiến trình thế nào, ăn uống thế nào, giảm đau thế nào, và sẽ ra viện khi nào. Họ làm cho bệnh nhân có thể hiểu được họ sắp đón nhận cái gì. Trong khi ở Việt Nam, bác sĩ vừa không có thời gian cho bệnh nhân, vừa không cung cấp cho bệnh nhân những thông tin đó, bệnh nhân hoang mang là phải thôi. Mình nghĩ phương pháp duy nhất để cải thiện hiện trạng bây giờ là phải làm tăng sự hiểu biết giữa hai bên. Truyền thông ngay trong bệnh viện, chẳng hạn. Bệnh nhân ngồi chờ trong bệnh viện cả ngày. Mình có thể đặt các kênh TV và phát cho bệnh nhân những tài liệu như vậy.

Tiến Hà Nội: Tiền và vấn nạn phong bì đang khiến cho y đức của bác sĩ bị xuống cấp.

Trà Mi: Yếu tố tiền bạc, lương bổng, và nạn tham nhũng góp phần như thế nào trong vấn nạn xuống cấp y đức tại Việt Nam? Giải pháp nào giúp chấn chỉnh y đức của người thầy thuốc, nâng cao chất lượng phục vụ xã hội? Người trẻ có đề nghị gì giúp thay đổi tình hình? Đó cũng là nội dung phần trao đổi tiếp theo trên Tạp chí Thanh Niên vào giờ này, tuần sau. Mời quý vị đón nghe.

Các bạn nghe đài có quan điểm thế nào về chất lượng phục vụ của đội ngũ y tế trong nước và y đức của người thầy thuốc trong xã hội ngày nay? Xin vui lòng gửi chia sẻ trong mục Ý Kiến ngay bên dưới bài đăng trên trang nhà chúng tôi Trà Mi xin chân thành cảm ơn quý vị.

Y Đức Xuống Cấp Khi Đặt “Mưu Sinh” Lên Trên Tính Mạng Người Bệnh

Y đức xuống cấp khi đặt “mưu sinh” lên trên tính mạng người bệnh

Theo chúng tôi Phạm Mạnh Hùng, Nguyên Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, điều cốt lõi trong rèn luyện y đức của người thầy thuốc ngày nay chính là cách họ giải quyết mối quan hệ giữa hy sinh và mưu sinh. Theo đó, để có y đức, họ cần phải đặt tính mạng, sức khỏe và quyền lợi của người bệnh lên trên mục đích kiếm sống, mưu sinh của bản thân người thầy thuốc.

* Để mất niềm tin về y đức thì dễ bị “vơ đũa cả nắm” Thưa Giáo sư, gần đây, có những tai nạn y khoa chưa xác định được là do rủi ro y tế hay tắc trách của bác sĩ, nhưng đã thổi bùng lên trong dư luận xã hội những bức xúc về y đức. Theo Giáo sư, nguyên nhân mất niềm tin của xã hội với ngành y do đâu? – Trước hết, có thể nói ngành y là ngành dễ xảy ra những tai nạn trong y khoa, kỹ thuật càng hiện đại bao nhiêu càng dễ xảy ra tai nạn bấy nhiêu. Chính vì vậy, trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ, người ta đã tổng kết nguyên nhân gây tử vong hàng đầu là do tai nạn y khoa, so với những nguyên nhân gây ra tử vong khác như tai nạn xe cộ, đuối nước… Vì sao nghề y lại dễ có những tai nạn? Thứ nhất cấu trúc của cơ thể con người rất hoàn chỉnh và là bộ máy phức tạp nhất trong các loài sinh vật. Thứ hai cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu hết bệnh sinh và bệnh căn của tất cả các loại bệnh, thế nên ngành y vẫn dùng từ “chẩn đoán”, tức trong đó có một phần là đoán chứ không phải đã xác định được hoàn toàn, mặc dù các phương tiện kỹ thuật ngày càng hiện đại. Thứ ba, những thao tác về y học là những thao tác tinh vi, cứu sinh mạng người bệnh trong môi trường hết sức nhỏ bé như lòng mạch chỉ 2-3mm. Vì thế ngành y là nghề rất dễ gây ra sai sót. Chính vì vậy, câu đầu tiên ông Hipocrates đã dạy mọi người thầy thuốc là không được gây hại cho người bệnh, để thầy thuốc luôn luôn cảnh giác, đề phòng và hết sức cẩn thận. Trước đây cũng có sai sót, nhưng nguyên nhân gây ra sai sót cũng có điểm khác với bây giờ. Ví dụ như tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc cao hơn, cẩn thận hơn; người thầy thuốc sát sao với người bệnh hơn….. Trong thực hành y khoa người ta luôn khuyến cáo thầy thuốc phải có “check list”, tức danh sách kiểm tra những động tác đã làm, làm đến đâu gạch vào đến đấy. Nhưng ngày nay, do nhiều lý do, chủ yếu là thiếu tính cẩn thận nên thầy thuốc ít khi thực hiện check list. Kỹ thuật ngày nay rất hiện đại, xuất hiện nhiều loại thuốc hơn, mà càng hiện đại bao nhiêu, càng nhiều loại thuốc bao nhiêu thì càng dễ sai sót bấy nhiêu. Trước đây trong thực hành y học các tai nạn vẫn xảy ra, nhưng khi giải quyết những tai nạn thì biểu hiện và diễn biến trong mối quan hệ giữa người bệnh hay người nhà người bệnh và thầy thuốc cũng có nhiều điểm khác với bây giờ. Thay cho sự bình tĩnh trước đây là những thái độ nóng vội hiện nay, thay cho cử chỉ ôn tồn là những cử chỉ lăng nhục hay ẩu đả, thậm chí đánh đập người thầy thuốc… Hiện tượng này xảy ra có nhiều nguyên nhân. Có phần do sự xuống cấp của đạo đức xã hội nói chung (một bộ phận người bệnh và người nhà người bệnh chưa có có sự ứng xử một cách văn hóa). Nhưng như các bậc tiền nhân đã dạy, hãy trách mình trước, thì phải thấy rằng sự xuống cấp của một bộ phận thầy thuốc đã làm cho người bệnh và người nhà người bệnh thiếu niềm tin. Từ sự thiếu niềm tin dẫn đến “vơ đũa cả nắm”, dễ quy kết mọi tai biến đều là do sự tắc trách của thầy thuốc. Một ví dụ cụ thể, trước đây không thấy thầy thuốc cố tình gây phiền hà cho người bệnh để có cơ hội vòi “phong bì”. Nay hiện tượng này vẫn còn đâu đó, tuy đã giảm hơn nhiều. Vì vậy khi xảy ra những tai nạn, dù cho tai nạn ấy là bất khả kháng chứ không phải là do thầy thuốc thiếu trách nhiệm, thì người bệnh hay người nhà người bệnh đều quy là do thầy thuốc thiếu y đức. Nhưng sự thật không phải như vậy, có một số tai nạn y khoa là bất khả kháng. Điều quy kết này dẫn đến nhiều cán bộ y tế lo lắng về sự an toàn trong nghề nghiệp và sinh ra nản chí, không yên tâm với công việc. Vậy theo ông, so với trước đây, y đức của người thầy thuốc ngày nay có gì khác biệt không? – Theo tôi cần phải phân tích những điểm khác biệt trong môi trường làm việc thời bao cấp và thời kinh tế thị trường. Trong thời bao cấp, người thầy thuốc thực hành nghề nghiệp chỉ có mục đích là cứu chữa người bệnh; tiêu chí duy nhất đánh giá đạo đức của người thầy thuốc là sự hy sinh vì sức khỏe và tính mạng người bệnh. Tất cả những người thầy thuốc lúc bấy giờ đều không phải lo đến cuộc sống của mình vì đã có Nhà nước bao cấp cho họ. Nhưng trong thời thị trường thì khác, bên cạnh việc chăm lo sức khỏe và cứu chữa người bệnh, người thầy thuốc phải lo cả cuộc sống của chính bản thân họ mà tôi tạm gọi là “mưu sinh”. Vì vậy trong tình hình hiện nay, thầy thuốc cần đặt ra và giải quyết mối quan hệ giữa sự quan tâm cứu chữa người bệnh với vấn đề kiếm sống, mưu sinh. Đó là điểm nổi bật nhất, khác biệt lớn nhất khi nói về y đức của hai thời kỳ. Hiện nay, bên cạnh nhiều vấn đề của ngành y tế, người ta nói nhiều đến vấn đề y đức. Có những lo ngại và cảnh báo rằng y đức hiện đang “xuống cấp” trầm trọng. Nhận định của ông về điều này? – Chính do chúng ta chậm phân biệt mưu sinh và hy sinh, cũng như xác định các đặc trưng của công tác y tế trong cơ chế thị trường định hướng XHCN nên chúng ta chưa hướng dẫn cho thầy thuốc giải quyết mối quan hệ giữa mưu sinh và hy sinh. Do đó, một bộ phận thầy thuốc đã bị suy thoái về đạo đức trước sự thay đổi này: họ đặt sự mưu sinh lên trên sức khỏe và tính mạng người bệnh. Vì thế, so với thời bao cấp và thời kỳ chiến tranh, y đức của thầy thuốc ngày nay dễ bị xuống cấp và đã có một bộ phận xuống cấp. Vậy bộ phận thầy thuốc có y đức xuống cấp đó làm ảnh hưởng như thế nào đến đội ngũ y, bác sĩ vẫn đang tận tình cứu chữa người bệnh? – Suy thoái đạo đức ấy chỉ một bộ phận thôi chứ không phải là tất cả thầy thuốc, tuy vậy “con sâu làm rầu nồi canh”. Xã hội nhìn vào bộ phận ấy để đánh giá ngành y tế với một con mắt khác, và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với ngành y tế. Thưa Giáo sư, trong thực trạng y đức xuống cấp, thì người nghèo bị ảnh hưởng như thế nào, rõ ràng họ không được thầy thuốc đối xử công bằng như những người có tiền? – Chắc chắn là người nghèo sẽ bị ảnh hưởng trong quá trình y đức xuống cấp. Chủ yếu đó là do vấn đề giải quyết không tốt mối quan hệ giữa mưu sinh và hy sinh. Bất luận trong trường hợp nào (người bệnh có tiền hay không có tiền) cũng phải đặt tính mạng, sức khỏe, quyền lợi của bệnh nhân lên trên quyền lợi của thầy thuốc, đây là mục đích cao cả của ngành y đã đành, nhưng đó còn là điều kiện để hành nghề kiếm sống. Phải làm cho thầy thuốc hiểu điều này, vì anh có chữa bệnh nhưng gây ra tai nạn và làm người bệnh thiệt thòi thì người bệnh sẽ không đến với anh nữa, và anh cũng không thể hành nghề và kiếm sống. * Làm thầy thuốc phải đặt “hy sinh” lên trước “mưu sinh” Quan điểm của giáo sư về việc bác sĩ mở phòng khám tư? – Kinh tế tư nhân là một trong những bộ phận quan trọng và động lực trong nền kinh tế. Trong y tế cũng vậy, nhà nước không có khả năng để bao cấp toàn bộ và cũng không có khả năng để lo cuộc sống toàn bộ cho người thầy thuốc thì anh em thầy thuốc phải làm tư, làm tư. Đó là điều tất yếu. Trong khu vực y tế tư nhân, hiện tượng phong bì, sách nhiễu người bệnh có giảm. Vậy có phải y đức trong phòng khám tư được cải thiện? – Nói rằng trong y tế tư nhân hoàn toàn không có sự sách nhiễu là không đúng. Sách nhiễu ở đây có thể biểu hiện dưới nhiều biểu hiện: gây khó khăn, gây phiền hà (chờ đợi lâu, thủ tục hành chính phức tạp, máy móc….), cho đến việc gây ra những vấn đề thiệt thòi về mặt kinh tế đối với người bệnh. Nếu hiểu như vậy thì trong y tế tư nhân vẫn còn có những biểu hiện sách nhiễu. Thí dụ như lạm dụng về thuốc men, lạm dụng về mặt kỹ thuật để thu được nhiều tiền. Vậy nói trong y tế tư nhân hoàn toàn y đức tốt là không đúng. Nhưng cần thừa nhận hiện nay y tế tư nhân hơn y tế công ở chỗ tài chính rõ ràng. Và vì vậy làm cho người dân cảm nhận là y đức tốt. Còn trong y tế công, một trong những lý do khiến người dân thấy phiền hà và thiếu niềm tin là tài chính chưa rõ ràng. Giáo sư có cho rằng nâng cao y đức hiện nay vẫn thiên về kêu gọi hơn là đặt ra những thiết chế, quy định hợp lý? – Hiện nay mình vẫn nặng về phía kêu gọi. Theo tôi trước tiên cần phải khẳng định như thế này: Nghề y là cũng một nghề có mục đích kiếm sống. Thực tế bây giờ anh em thầy thuốc cũng làm việc với mục đích kiếm sống, đừng phê phán người ta, đừng chê trách người ta rằng như vậy là có động cơ sai. Nhưng điều thứ hai rất quan trọng, là làm cho anh em thầy thuốc hiểu rằng muốn hành nghề và kiếm sống, cái quan trọng anh phải đặt tính mạng sức khỏe người bệnh lên trên quyền lợi của cá nhân mình. Nên nói để cho anh em thầy thuốc hiểu làm nghề y không thể trở thành tỉ phú và đừng chạy theo làm giàu trong nghề y. Tôi được biết trên thế giới chưa có ai trở thành tỉ phú nhờ nghề y. Nhưng những nhà tỉ phú luôn có bệnh viện tư, đó là khi họ đã trở thành tỉ phú rồi và họ muốn thể hiện lòng nhân đạo. Phải giáo dục cho đội ngũ y tế hiểu rằng anh phải mưu sinh, kiếm sống. Nhưng nếu anh lấy động cơ làm giàu, thành tỉ phú trong quá trình hoạt động nghề y thì có thể sẽ gặp gặp sai sót. Vì động cơ kiếm tiền, anh sẽ vớ vét tiền của người bệnh, nhưng tư duy khoa học của anh sẽ lẫn lộn và cuối cùng có thể làm cho anh phạm sai lầm. Vậy nhà nước có nên hoàn toàn để anh em y bác sĩ tự mưu sinh không? Theo tôi, vai trò của Nhà nước trong vấn đề điều chỉnh thu nhập của thầy thuốc là hết sức quan trọng. Nếu để người thầy thuốc tự mưu sinh hoàn toàn sẽ dẫn đến chênh lệch rất lớn ngay trong bản thân đội ngũ thầy thuốc. Nói về thu nhập, thì thầy thuốc ở những thành phố lớn bao giờ thu nhập cũng cao. Vậy thì những người công tác ở miền núi, vùng khó khăn sẽ không yên tâm công tác. Nếu nhà nước không tham gia điều chỉnh, điều hòa thu nhập (là thu nhập chứ không phải lương) thì có nguy cơ lâu dài đó là chính cán bộ y tế sẽ trở thành lực cản của mọi cải cách y tế trong tương lai. Cuối cùng muốn nâng cao y đức cần có một điều vô cùng quan trọng là nâng cao tính chuyên nghiệp y học. Việc mất niềm tin của người dân đối với ngành y, ngoài thái độ ứng xử thì một phần rất quan trọng đó là tính thiếu chuyên nghiệp trong thực hành y học. Đừng cho là cứ cười nói, vồn vã với bệnh nhân thế là đạo đức tốt. Nhiều khi phải nghiêm khắc với bệnh nhân mới là tốt. Hiện nay, y đức đang bị hiểu theo một chiều theo kiểu hình thức hóa. Chỉ có nâng cao tính chuyên nghiệp trong thực hành y học, lấy chất lượng là tối thượng thì y đức mới được vững chãi và bền lâu.  

Theo Nhân dân điện tử 

Y Đức, Đạo Lý Và Lý Trí

LTS: Mang trên mình nghĩa vụ cao cả nhưng cũng hết sức nặng nề, ngành y tế Việt Nam luôn nỗ lực đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về đội ngũ y bác sĩ và những vấn đề nóng bỏng của ngành y, Báo Sức khỏe & Đời sống bắt đầu triển khai Diễn đàn “Y đức – Đạo lý”. Đây là diễn đàn mở, tòa soạn khuyến khích độc giả chia sẻ quan điểm cá nhân để có cái nhìn đa chiều về một nghề cao quý nhưng cũng lắm gian truân. Các bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của tòa soạn, xin gửi về email: bandientuskds@gmail.com. Trân trọng cảm ơn độc giả.

Mở đầu diễn đàn “Y đức – Đạo lý”, Báo Sức khỏe & Đời sống xin gửi tới độc giả bài viết “Y đức, đạo lý và lý trí” của độc giả Nguyễn Văn Tuấn.

Vụ bác sĩ thẩm mĩ phi tang thi thể nạn nhân lại dấy lên một làn sóng phê phán ngành y. Tuy nhiên, đọc qua những bàn luận và phản ứng của giới báo chí cũng như một số người trong y giới, tôi nghĩ có một sự ngộ nhận về kĩ nghệ làm đẹp và y khoa, cũng như giữa y đức và đạo lí. Từ ngộ nhận này, có vài phản ứng lệch lạc, và có thể nói là mang màu sắc… cải lương.

Rất nhiều người lầm tưởng rằng giải phẫu thẩm mĩ (GPTM) là y khoa. Xin mở ngoặc ở đây tôi chỉ nói giải phẫu thẩm mĩ (cosmetic surgery), chứ không phải giải phẫu chỉnh hình (constructive surgery) vốn là lĩnh vực của y khoa. Theo tôi thấy, GPTM không thuộc ngành y, ít ra là trên phương diện đối tượng phục vụ và mục tiêu. Đối tượng của y khoa là những người mắc bệnh. Còn “khách hàng” của GPTM không phải là bệnh nhân mà là những người bình thường và khoẻ mạnh. Ngành y có thiên chức cứu người, chữa bệnh, và phòng bệnh. GPTM chỉ có mục tiêu làm đẹp trên người không phải là bệnh nhân.

Một ca phẫu thuật ghép tạng tại BV Việt – Đức.

Vì những khác biệt rất căn bản giữa GPTM và y khoa, nên những tiêu chuẩn y đức phổ quát dành cho bác sĩ rất khó áp dụng cho GPTM. Do đó, khi các quan chức và báo chí nói đến y đức của vị bác sĩ phi tang thi thể khách hàng theo tôi là có phần lệch hướng. Ngành y có những điều lệ y đức, và những điều lệ này kiểm soát hành vi của bác sĩ trong việc điều trị bệnh nhân, và mối liên hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân. Ngành GPTM có điều lệ đạo đức riêng vì đối tượng của GPTM khác với ngành y. Tôi không rõ ở Việt Nam người ta có những chuẩn mực đạo đức hành nghề (codes of conduct) cho ngành giải phẫu thẩm mĩ, nhưng ở nước ngoài thì ngành GPTM có chuẩn mực đạo đức riêng cho người trong ngành. Chẳng hạn như ở Úc Hội giải phẫu thẩm mĩ đề ra những chuẩn mực đạo đức như xuất sắc trong phẫu thuật, thành thật và tôn kính, tình thương, có trách nhiệm, và học thức và tình đồng nghiệp. Những chuẩn mực này giống như đạo đức doanh nghiệp, rất khác với y đức. Hành động của anh bác sĩ đó phải được xét trong cái khung đạo đức ngành của anh ấy.

Hành động của anh bác sĩ đó vượt ra ngoài phạm vi y đức (medical ethics), mà thuộc vào phạm trù đạo lí làm người (morality). Đạo lí làm người cho phép chúng ta phân biệt được cái đúng, cái sai, và “hướng dẫn” cách hành xử. Trên xe điện khi thấy người già yếu mình nhường ghế; trên đường phố khi thấy đám tang người ta cúi đầu; khi thấy người ta mắc nạn mình phải ra tay cứu, v.v. là những chuẩn mực đạo lí được hình thành từ những tương tác với xã hội theo thời gian. Có thể trong cơn hoảng loạn anh ta đánh mất đạo lí và hành xử phi chuẩn mực. Thực ra, tôi thấy anh bác sĩ ấy là một nạn nhân đáng thương hơn là đáng ghét. Dù muốn hay không, sự việc xảy ra và hành động của anh ấy cũng chịu sự chi phối của cái môi trường xã hội mà anh tương tác. Có lẽ việc làm có ích hơn chỉ trích và phê phán là nên tìm hiểu tại sao anh ấy là hành xử “hơn cả xã hội đen”. Có phải vì anh ấy sợ vướng vòng lao lí, và nếu sợ lao lí thì phải xem thể chế đã làm gì để người ta sợ đến như thế. Cái lí do sâu xa có lẽ còn thú vị và có thể cho chúng ta nhiều thông tin hơn là nhắm vào cá nhân anh bác sĩ đang rất đau khổ.

Những phản ứng của một số người trong ngành y có vẻ quá cảm tính. Có lẽ vì đọc trên báo thấy người ta phê bình, chỉ trích, sỉ vả ngành y thái quá, nên có người đâm ra chán chường và thất vọng. Có người tự vấn tại sao ngành y bạc bẽo thế?! Theo tôi, không có lí do gì phải tự ti hay phản ứng buồn rầu như thế cả. Không nên quá quan tâm đến báo chí, nhất là báo chí chạy theo những cái tít giật gân và gây cấn. Những người trong giới báo chí đang lớn tiếng phê phán về y đức chưa chắc họ hiểu y đức là gì. Thật ra, có thể chính giới báo chí đang vi phạm chính đạo đức nghề báo (như về tận làng quê của anh bác sĩ và khai thác thông tin mẹ anh ấy). Phản ứng cảm tính theo báo chí là dễ bị mất định hướng lí trí. Những ai chỉ vì một trường hợp cá biệt mà chỉ trích cả ngành y thì chỉ họ chỉ thể hiện sự thấp kém của họ mà thôi. Ở Úc, có một bác sĩ gốc Ấn Độ từng gây ra cái chết cho hàng chục bệnh nhân, ông trốn về Mĩ, và sau này bị truy bắt về Úc. Báo chí Úc cũng có dịp gây ồn ào, nhưng không có bác sĩ Úc nào cảm thấy xấu hổ hay thấy ngành y bạc bẽo cả. Ở Argentina có bác sĩ kia nghe nói “giết” cả vài trăm bệnh nhân, nhưng ngành y đâu có ảnh hưởng gì. Ai làm sai thì người đó chịu trách nhiệm, chứ không thể vì một cá nhân mà gán ghép cho cả ngành. Tôi e rằng những người nhân danh ngành nghề “cao quí” của mình để cảm thấy xúc phạm đang mang trên vai con chip quá nặng. Đó cũng là một phản ứng theo tôi là có màu sắc cải lương. Xin nói thêm rằng hai chữ “cải lương” ở đây chỉ để nói tình trạng “thương vay khóc mướn” chứ chẳng phải nói xách mé.

Phản ứng của một số người trong y tế và báo chí làm lu mờ lằn ranh giữa giải phẫu thẩm mĩ và y khoa. Đó là một điều đáng tiếc, vì sự đánh đồng một vấn đề thuộc phạm trù của đạo lí thành vấn đề y đức. Y đức chỉ là một thành tố trong hệ thống đạo lí, và đạo lí mới là điều đáng quan tâm trong trường hợp của người bác sĩ đang đau khổ với hành động điên rồ của mình.